Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Có lẽ do bản thân từng là một trẻ sớm chịu cảnh mồ côi nên cô giáo Cù Thị Lan Hà rất đồng cảm với những học trò khiếm thị của mình…

Đến nay vừa đúng 12 năm chị Cù Thị Lan Hà gắn bó với Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh (TT.NDTKT).
Hiện nay tại TT.NDTKT có 63 học viên, trong đó có 3 em rơi vào trường hợp ngoại lệ vì quá tuổi quy định. Trong khi các học viên được chăm sóc phục hồi chức năng và hướng nghiệp dạy nghề, vẫn còn 7 em khó hoà nhập vì trí não chậm phát triển.
![]() |
Chị Hà với các học viên khiếm thị |
Có lẽ do bản thân từng là một trẻ sớm chịu cảnh mồ côi nên chị Hà rất đồng cảm với những học trò khiếm thị của mình. Duyên phận sao đó, đến nay chị vẫn chưa lập gia đình, chị dành thời gian và tình thương cho các em. Trong tâm nguyện, chị muốn các em sau phục hồi chức năng sẽ có một nghề ổn định để kiếm sống. Những nghề đan chiếu, dệt thảm những năm 2003 - 2004 cho thấy hiệu quả không cao vì nhiều công đoạn và các em cũng không có khả năng về vốn liếng. Thế là chị Lan Hà tìm tòi, học hỏi nhiều nơi để tìm lối ra cho các em. Đến năm 2006, chị mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH mở lớp dạy nghề massage cho trẻ khiếm thị. Lúc đầu cũng có người nhìn nhận sai lệch về nghề này, sợ… phát sinh tệ nạn xã hội. Chị Hà phải ra công trình bày… thuyết phục về lợi ích của nghề này đối với người khiếm thị, đồng thời đưa ra phương án “bảo vệ” học viên của mình bằng cách cho họ phục vụ theo giới, nữ phục vụ nữ, nam phục vụ nam. Cho đến nay, kết quả công việc chứng minh: nghề massage rất phù hợp với các em. Phòng massage mở tại Trung tâm đã có khách, thu nhập của học viên từ 500.000- 600.000 đồng/tháng sau khi đã trích nộp lại cho Trung tâm. Chỉ một thanh niên vóc thấp nhỏ đang xách va li đi vào, chị Hà giới thiệu: “Cậu này là Bùi Văn Đầy, sinh năm 1994, là một trong những học viên khiếm thị đầu tiên của Trung tâm. Lúc mới vào em khóc dữ lắm, khóc đến nỗi tôi không ngủ được. Giờ đã có việc làm ở thành phố. Em nói nghề massage thu nhập cũng khá. Mỗi lần về thăm nhà trên Tân Biên, bao giờ Đầy cũng ghé trung tâm nghỉ ngơi rồi mới về thành phố”. Bộ môn âm nhạc cũng phù hợp với trẻ khiếm thị, nhưng môn này yêu cầu học viên phải có năng khiếu. Mấy năm qua, duy nhất có em Lê Tâm thành công. Tâm học và chơi giỏi đàn ghi ta phím lõm, đàn cò… hiện đang theo một ban nhạc ở Thành phố HCM. Mỗi lần về thăm Trung tâm, Tâm đều khoe với dì Hà rằng: “con kiếm đủ sống”. Nghề se nhang mới được dạy cho các học viên và đã có khách đặt hàng.
Những mảnh đời khiếm khuyết còn nhiều. Làm sao cưu mang giúp đỡ hết các em là mong muốn trọn đời của chị Hà. Vừa qua, được Cục Bảo trợ- Bộ LĐTB&XH giúp đỡ tập huấn về chăm sóc, giáo dục trẻ bị bệnh tự kỷ, bệnh “đao”, chị đã đề xuất với tỉnh xin mở thêm một lớp cho đối tượng mới này. Phương án mở rộng lớp, xưởng học nghề cho trẻ khuyết tật cũng được chị Hà đề nghị triển khai mấy năm nay, nhưng chưa có đất. Diện tích đất được cấp nằm trong diện tranh chấp nên hồ sơ của TT.NDTKT cứ chạy vòng vo mãi mà chưa có hồi kết. “Tôi sắp đến tuổi nghỉ hưu, vậy mà nhiều việc như đất để mở nhà xưởng, xây dựng các mô hình học cụ cho trẻ khiếm thị vẫn chưa làm được. Thật chẳng yên tâm chút nào”- chị Hà trăn trở. 12 năm qua, 14 học viên được trả về hội nhập với xã hội ổn định công ăn việc làm và những kết quả khả quan trong việc chăm sóc, hướng nghiệp cho trẻ khiếm thị thời gian gần đây là niềm hạnh phúc lớn lao của Hiệu trưởng Cù Thị Lan Hà và 15 cán bộ, nhân viên thuộc TT.NDTKT.
P.Q