Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
ĐÔNG NAM BỘ SAU GẦN 20 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 53-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ:
Năng suất lao động tăng gấp ba lần
Thứ năm: 23:19 ngày 27/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năng suất lao động của vùng Đông Nam bộ liên tục gia tăng về giá trị, đạt mức cao so với các vùng khác và so với bình quân chung cả nước do thu hút được đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn.

Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của một công ty ở Trảng Bàng. Ảnh Thanh Nhi

Như tin đã đưa, ngày 23.10, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Gần 20 năm trước, năm 2005, Bộ Chính trị khoá IX ban hành Nghị quyết 53-NQ/TW về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Cùng nhìn lại kết quả sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết.

BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA NGHỊ QUYẾT 53-NQ/TW

Nghị quyết 53 của Bộ Chính trị ra đời trong bối cảnh sau gần 20 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Tại thời điểm năm 2005, Bộ Chính trị nhận định, nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tổng sản phẩm trong nước sau 10 năm tăng hơn gấp đôi.

Quan hệ sản xuất đã có bước đổi mới, phù hợp hơn với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và thúc đẩy sự hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển quan hệ kinh tế với hầu khắp các nước, gia nhập và có vai trò ngày càng tích cực trong nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, chủ động từng bước hội nhập có hiệu quả với kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, đất nước chưa vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển. Trình độ phát triển kinh tế của nước ta còn thấp xa so với mức trung bình của thế giới và kém nhiều nước xung quanh. Kinh tế, xã hội vẫn còn những mặt yếu kém, bất cập như hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, quan hệ sản xuất có mặt chưa phù hợp, hạn chế việc giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất…

Trong điều kiện đó, Bộ Chính trị xác định: phát triển vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là “hình thành và phát huy vai trò các trung tâm thương mại, xuất khẩu, viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng, khoa học và công nghệ, văn hoá, đào tạo đối với khu vực phía Nam và cả nước. Đẩy mạnh công nghiệp khai thác dầu khí; sản xuất điện, phân bón và hoá chất từ dầu khí. Hoàn chỉnh, nâng cấp các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Mở mang công nghiệp ở các tỉnh, không tập trung quá mức vào các đô thị lớn. Phát triển mạnh cây công nghiệp (cao su, cà phê, điều, mía đường, bông...), cây ăn quả, chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, hình thành các vùng chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến, tạo điều kiện thu hút thêm lao động từ đồng bằng sông Cửu Long.

Nâng cấp các tuyến quốc lộ nối với các vùng và quốc tế; nâng cấp và xây dựng mới một số cảng biển, sân bay. Xây dựng đô thị trên các trục phát triển gắn với khu công nghiệp. Giải quyết hệ thống giao thông đô thị, cấp và thoát nước, khắc phục ô nhiễm môi trường”.

Công nhân vận chuyển sản phẩm gỗ ở Trảng Bàng. Ảnh Thanh Nhi

“KẾT QUẢ TO LỚN NHƯNG CHƯA TƯƠNG XỨNG”

Sau gần hai thập kỷ triển khai Nghị quyết số 53, Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt được bước phát triển quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhiều mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng đạt trung bình khoảng 11%/năm, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt trên 40%, giải quyết việc làm hằng năm khoảng 50 vạn lao động... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục đóng góp lớn vào thu ngân sách Nhà nước và kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng đạt trình độ khá nhất trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hoá của vùng đạt cao nhất cả nước với nhiều chương trình đầu tư phát triển đô thị mới theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Công tác cải cách hành chính được triển khai có hiệu quả, hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp đã hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp nhiều hơn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ được xây dựng, củng cố vững chắc. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, xây dựng và kiện toàn, phương thức hoạt động có những đổi mới và hiệu quả.

“Những kết quả đạt được là to lớn và rất quan trọng, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng”- Bộ Chính trị đánh giá. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu bền vững, phát triển kinh tế ở một số nơi, một số lĩnh vực còn mang tính tự phát, tỷ trọng các ngành nông - lâm - ngư nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn cao so với mục tiêu Nghị quyết 53 đề ra.

Chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa đạt mục tiêu đề ra, lao động kỹ thuật có tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tỷ lệ lao động thất nghiệp vẫn giữ ở mức tương đối cao so với các vùng khác trong cả nước.

Công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; tiến trình công nghiệp hoá chưa đi đôi với hiện đại hoá. Chi phí sản xuất công nghiệp cao, tỷ lệ nội địa hoá thấp. Chưa đạt được mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; phân bố các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hợp lý, chất lượng, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp.

Kết cấu hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng và đang ngày càng quá tải. Ùn tắc giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, các tuyến đường nội đô ngày càng nghiêm trọng.

Tình trạng quá tải ở hầu hết các trường học, cơ sở đào tạo, dạy nghề công lập, các cơ sở khám, chữa bệnh ngày càng lớn. Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, khu công nghiệp còn bất cập. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước và vấn đề xử lý chất thải rắn đang là vấn đề bức xúc trong vùng.

Sự phối hợp giữa các địa phương, giữa các bộ, ngành và địa phương chưa tốt, chưa tạo được hiệu quả cần thiết trong việc kết nối hạ tầng giao thông giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận, vấn đề liên kết vùng và phối hợp phát triển còn yếu.

Trước thực trạng của vùng và trên cơ sở tổng kết 5 năm (năm 2012) thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, Bộ Chính trị khoá XI đã ban hành Kết luận số 27-KL/TW ngày 2.8.2012 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53 của Bộ Chính trị khoá IX đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020.

Trong giai đoạn 2011-2020, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn vùng Đông Nam bộ của khu vực ngoài nhà nước đạt 291,6 ngàn tỷ đồng, chiếm 56,1% tổng vốn đầu tư vùng Đông Nam bộ; tiếp theo là khu vực FDI đạt 131,7 ngàn tỷ đồng, chiếm 25,3%; khu vực nhà nước đạt 96,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 18,6%.

Năng suất lao động của vùng Đông Nam bộ liên tục gia tăng về giá trị, đạt mức cao so với các vùng khác và so với bình quân chung cả nước do thu hút được đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn. Hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh tế để nâng cao năng suất. Năm 2020, năng suất lao động của vùng đạt 265,3 triệu đồng/lao động, gấp 3 lần năm 2005.

“Đến năm 2026 hoàn thành đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Phấn đấu đến năm 2030: Hoàn thành đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo quy hoạch đã được duyệt như Biên Hoà - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hoà, Chơn Thành - Gia Nghĩa. Nâng cấp, mở rộng hệ thống cao tốc quốc lộ: TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tuyến kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành (quốc lộ 20B). Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh.

Đẩy nhanh, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt đô thị kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hoá Biên Hoà - Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Cải tạo cơ bản đạt cấp kỹ thuật các tuyến luồng đường thuỷ nội địa; hình thành các cụm cảng phục vụ nhu cầu thu gom, giải toả hàng hoá cho các cảng biển lớn trong vùng; tiếp tục phát triển, hiện đại hoá cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh; hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn, phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch; đưa vào khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn l; đầu tư mở rộng cảng hàng không Côn Đảo; sớm khôi phục, nâng cấp cảng hàng không Biên Hoà - Vũng Tàu thành lưỡng dụng cấp 4E”- trích Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị.

VIỆT ĐÔNG

Báo Tây Ninh
Công Ty Dịch vụ kỹ thuật việt nam Vinatesco
Tin cùng chuyên mục