Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng tầm đặc sản Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 26/12/2019 - 23:55

BTN - Bao đời nay, những đặc sản Tây Ninh như bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, thịt bê cuộn rau rừng dù nổi tiếng nhưng vẫn chỉ “quẩn quanh” nội tỉnh. Thế nhưng, với quyết tâm nâng tầm đặc sản của tỉnh, những món ăn nổi tiếng này ngày càng được nhiều người biết đến khi xuất hiện ở một số khách sạn 5 sao.

Du khách người nước ngoài thưởng thức món bánh canh Trảng Bàng tại khách sạn 5 sao Grand Sài Gòn.

Khắt khe như “chuẩn 5 sao”

Nói thật khách quan, trong số rất nhiều đặc sản vùng miền của nước ta, đặc sản Tây Ninh là những món ăn có “số má” vì được rất nhiều người biết đến, kể cả người dân các tỉnh, thành phía Bắc. Du khách mỗi lần có dịp đến quê hương núi Bà Đen đều dành thời gian thưởng thức.

Đó cũng là trăn trở của lãnh đạo huyện Trảng Bàng (nơi được xem là sản sinh ra những đặc sản nức tiếng của tỉnh) và lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành bởi những đặc sản nổi tiếng như thế vẫn không thể “đi xa” được. Đặc sản Tây Ninh dù vẫn được xây dựng và kinh doanh ở nhiều địa phương, nhất là TP. Hồ Chí Minh nhưng không thể giữ trọn hương vị đặc trưng vốn có của nó.

Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, 3 đặc sản của tỉnh (bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, thịt bê cuộn rau rừng) “chạy” thẳng vào khách sạn 5 sao Grand Sài Gòn tại TP. Hồ Chí Minh. Có được bước “đột phá” này, nhờ vào quyết tâm cũng như cách thức làm du lịch đầy nghiêm túc của lãnh đạo huyện Trảng Bàng và các sở, ngành của tỉnh. Điều đặc biệt là hương vị và độ ngon của những món ăn này được giữ nguyên như khi du khách thưởng thức tại quê hương núi Bà Đen.

Ông Hà Minh Dảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng cho biết, thông qua các sở, ngành tỉnh, huyện đã kết nối và làm việc với khách sạn Grand Sài Gòn về việc đưa các đặc sản của Tây Ninh vào khách sạn. Trong quá trình đàm phán, huyện cam kết đáp ứng các tiêu chí khắt khe của khách sạn- nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm…

Khách sạn Grand Sài Gòn đã cử bếp trưởng Võ Văn Anh và đội ngũ chuyên môn “thẩm định” qua rất nhiều bước về các nguồn nguyên liệu chế biến. Giám đốc Trương Đức Hùng cho biết, khách sạn đã cử người đi Trảng Bàng để khảo sát và làm việc rất nhiều ngày. Chính quyền địa phương và các sở, ngành rất nhiệt tình phối hợp, hỗ trợ nên các hoạt động đều tiến triển rất nhanh chóng.

Theo đại diện Khách sạn Grand Sài Gòn, các món ăn được chế biến từ các nguyên liệu được lấy tại địa phương nên vẫn giữ được “linh hồn” và độ ngon - vốn làm nên thương hiệu của nó. Điều này không những góp phần nâng cao giá trị ẩm thực Việt mà còn giới thiệu đến người dân trong nước, du khách quốc tế về nền văn hoá ẩm thực đa dạng, phong phú của Việt Nam.

Các đặc sản ẩm thực của Tây Ninh được giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước tại TP. Hồ Chí Minh.

Nỗ lực quảng bá, khẳng định một thương hiệu

Trong nỗ lực đưa đặc sản ẩm thực của Tây Ninh vươn xa, những năm qua, các sở, ngành chức năng của tỉnh, mỗi người dân Tây Ninh, khi có dịp đều quảng bá, giới thiệu những đặc sản của quê hương. Bởi đó không chỉ là một món ăn đơn thuần mà đã trở thành một phần văn hoá bản địa.

Từ một món ăn dân dã, người dân Tây Ninh đã nghĩ ra cách tráng, cho thêm chút muối để bánh dẻo và đậm đà, phơi nắng vừa khô rồi nướng cho có độ phồng mềm rồi đem phơi sương. Chiếc bánh tráng ngấm hơi sương sẽ giúp bánh mềm, không đổi màu, không cần nhúng nước trước khi ăn. Còn với bánh canh Trảng Bàng, dù chỉ rất đơn giản với thịt heo, móng giò và bánh canh cùng với rau rừng lại khiến nhiều người thưởng thức “thử một lần rồi nhớ mãi”.

Ông Nguyễn Hồng Thanh - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Tây Ninh có rất là nhiều tiềm năng về du lịch và ẩm thực. Trong nỗ lực đưa ngành du lịch và ẩm thực Tây Ninh đến với người dân trong nước và du khách nước ngoài, Sở đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá. Chúng tôi cũng nỗ lực để mỗi người dân trở thành “đại sứ” quảng bá đặc sản Tây Ninh nói riêng và du lịch Tây Ninh nói chung.

Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng những điều kiện, tiêu chuẩn cao nhất của các cơ sở kinh doanh, khách sạn để đặc sản của tỉnh tạo được ấn tượng tốt đối với du khách. Đó cũng là cách mà chúng tôi góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh về du lịch của tỉnh đến với người dân và du khách thập phương”.

Đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) chụp ảnh lưu niệm tại chương trình giới thiệu đặc sản Tây Ninh tại TP. Hồ Chí Minh.

Còn chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển ẩm thực Việt Nam cho rằng: “Việc đưa những món ngon về giới thiệu tại các khách sạn 5 sao là cách làm mới để quảng bá ẩm thực vùng miền. Điều quan trọng nhất là phải tìm được những gì tinh tuý, mang đậm tính vùng miền.

Ví dụ khi nhắc đến bánh canh là chúng ta nghĩ ngay đến bánh canh Trảng Bảng bởi những nét đặc trưng của nó không lẫn vào đâu được. Đây cũng là cách các bên phối hợp để khẳng định thương hiệu đặc sản địa phương mình, đồng thời làm phong phú thêm bản đồ ẩm thực ở nước ta cũng như quốc tế”.

Hà An


Liên kết hữu ích