Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau những ngày mưa, bỗng bừng sáng một chiều thu nắng. Đấy là chiều thứ hai đầu tuần, dù ban sáng vẫn còn rả rích mưa. Thế mới biết quý những giọt nắng vàng long lanh khi đi dưới những tán rợp bóng cây hè phố.
Chim về vườn cò Thành phố. Ảnh: Đ.H.T
Quý, là vì đã gần 1 tuần mưa. Do những đới khí hậu gì đấy, hoặc áp thấp đâu đó ngoài khơi miền Trung hoặc Nam Trung bộ. Lại nhớ miền Trung đã và đang chịu đựng những thử thách ghê người trong bão số 5, số 6, và tiếp theo là dằng dặc những ngày mưa lũ. Huế gãy đổ hàng trăm cây cổ thụ. Nước sông Hương, sông Hiếu, sông Bồ, Thạch Hãn đều lên vượt cấp báo động 3. Trên tivi đã thấy cả những cảnh lũ quét, nước ngập cuộn xoáy, những nóc mái nhà giữa mênh mông nước…
Còn ở Tây Ninh, cũng đã 5-6 ngày mưa liên tục, trời đất xầm xì. Có lúc cũng loe hoe nắng nhưng rồi lại mưa. Chỉ đến chiều nay mới bừng lên một sắc vàng chan chứa- nắng thu.
Ra đường đầm mình trong nắng. Mới hay phố đã rực cờ, pa-nô, khẩu hiệu. Nắng thu đã làm hong khô tất cả. Để cờ bay trong gió. Để các con đường phố được hong khô, mịn màng êm bánh xe qua. Nắng thu có gì như vừa quen vừa lạ. Quen vì màu nắng vẫn nhuộm vàng không gian và các mái nhà.
Lạ vì đi giữa nắng mà không thấy nóng. Hàng cây viết bên đường bỗng óng ả xanh hơn. Mấy cánh hoa dầu vừa rơi xuống lại ửng lên một sắc môi hồng. Con đường vừa qua có hương thơm phảng phất. Ngoái lại tìm, bỗng thấy những vòm hoa sữa xanh non như màu cốm. Ôi chà! Lại đâm nhớ mùa thu Hà Nội rồi đây.
Ước chi được cầm trên tay một gói cốm non gói trong lá sen xanh và lá ráy. Tây Ninh mùa này cũng đang ngát thơm hoa ngọc lan và nguyệt quế. Dưới đường bờ rạch còn có nhiều loại hoa đậm sắc hơn hương, đấy là hoa ban tím, hoa liễu đỏ lập loè dưới những sum suê tơ liễu. Ai vào các con hẻm nhỏ, hầu như hẻm nào cũng có hoa vàng nở. Thứ hoa hoàng anh này dường như đã mượn màu hoa cúc mùa thu để phô mình tươi rói giữa nắng thu.
Phố hè đã được hong khô. Vài chú chim cu lửa dạn người sà xuống hè đường. Chúng kiếm ăn ngay khi người ta dọn hàng ra bán. Én chao liệng giữa trời, sẻ lích rích gọi nhau đậu trên tường rào, dây điện. Tôi bỗng thấy ở thành phố Tây Ninh quang cảnh: “Trời đầy chim và đất đầy hoa” (bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi). Rõ ràng là nhờ có nắng thu.
Hoa thì ở đâu cũng có. Còn chim? Chiều muộn ngước lên trời xem. Đã thấy những cánh chim di trú bay về, ngang qua bầu trời Thành phố. Đấy là còn chưa kể đến những đàn bồ câu ở chùa Hiệp Long, ở công viên ven rạch. Ngày đều đặn hai bữa, các ni cô và người dân đem bắp, thóc cho chim ăn. Những sân chim khi ấy thật tưng bừng.
Nhờ có nắng thu, tôi mới có dịp ra vườn chim ven rạch Tây Ninh, nơi trú ngụ của chim cò bản địa suốt mười mấy năm qua để thăm hỏi các loài chim di trú. Bác nông dân đang cày ruộng gần vườn bảo: Chúng đã về rải rác mấy tuần nay.
Thành ngữ dân gian có câu: “Ngày tháng mười, chưa cười đã tối”. Có phải là ngày tháng mười có trời thu đẹp thế, nên nắng thu đi ngủ sớm. Đến cả ánh hoàng hôn cũng như chìm nghỉm dưới bồng bềnh mây màu cánh vạc cuối trời xa.
Từ phía trời tây, lẫn vào những tia nắng thu là lũ lượt từng đàn cò trắng bay về. Chẳng mấy chốc, chúng đã quyện vào nhau trong một vài vòng lượn quanh vườn trước khi đáp xuống. Những vòng quay như lốc cuốn. Hàng ngàn đôi cánh cò vẫy, lấp lánh trên vòm trời đã dần tắt nắng.
Bên kia, đại lộ 30.4 vừa mới lên đèn, thấp thoáng những dòng xe mải miết. Bác thợ cày cũng đang sắp xếp dụng cụ lên chiếc máy cày kiêm xe kéo trở về. Bác bảo vài bữa nữa, khi nước ruộng rút dần, chim về càng đông nữa.
Giữa đám đông xao xác trời mây kia, tôi vẫn kịp nhận ra những giống chim bản địa quê ta. Là những cò lửa, cò xám, chim cồng cộc đen tuyền và chim sáo bay vun vút như tên bắn. Và cũng đã thấy loài cò di trú, đấy là cò Bắc với đôi cánh giang rộng, đôi chân dài lả lướt trên ngọn cây phủ trắng sắc cò.
Thế là đã tới mùa chim di trú bay về! Nhớ câu người xưa nói “Đất lành chim đậu”. Để thấy thành phố Tây Ninh quê mình vẫn là một thành phố thân yêu, đáng sống biết bao. Những con đường cứ ngày một thênh thang hiện đại.
Nhưng con người vẫn để dành lại những khu dự trữ sinh học để chim về làm tổ, tạo nên những cảnh quan sinh thái tuyệt vời. Đây còn là nơi để ta ngắm những hoàng hôn đẹp nhất, nhất là trong những mùa khô, ngày dài có “nắng quái chiều hôm”. Hôm nay nắng thu thì khác. Một hoàng hôn đi ngủ sớm, trước cả bầy cò. Một hoàng hôn lại đang như tan vào mây nước- như một khuôn tranh thuỷ mặc hút hồn ta.
NGUYỄN