Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nano Covax và cơ hội cấp phép lưu hành trong những ngày tới
Thứ hai: 09:06 ngày 20/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đánh giá của Hội đồng đạo đức về kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đã thực sự mở ra cơ hội xem xét cấp phép có điều kiện cho Nano Covax.

Mỗi cuộc họp của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Hội đồng đạo đức) đều đánh dấu kết quả phát triển của quá trình nghiên cứu lâm sàng thuốc, vaccine thử nghiệm. Với Nano Covax, cuộc họp ngày 18-9 của Hội đồng đạo đức có ý nghĩa quan trọng, đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng - khác với cuộc họp hôm 22-8, mới là giữa kỳ giai đoạn 3a.

Điểm khác biệt này gắn với quy định trong Nghị quyết 86 của Chính phủ, Thông tư 11 của Bộ Y tế, theo đó một điều kiện để xem xét cấp phép khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 là phải có đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3.

13 lá phiếu của Hội đồng đạo đức

Ba nguồn tin độc lập cho hay 13 thành viên Hội đồng đạo đức quốc gia đã thảo luận, bỏ phiếu về ba tiêu chí quan trọng, trên cơ sở dữ liệu chốt đến ngày 2-9: Tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ.

Về tính an toàn và tính sinh miễn dịch, hội đồng đạt đồng thuận tuyệt đối và gần như tuyệt đối. Ý nghĩa lớn nhất đến thời điểm này là báo cáo giữa kỳ giai đoạn 3 đã đưa ra dữ liệu chứng minh được vaccine thử nghiệm Nano Covax có tính sinh miễn dịch với virus SARS-CoV-2 cả chủng gốc Vũ Hán, chủng Alpha và chủng Delta - nguy hiểm nhất, đang hoành hành ở Việt Nam và nhiều nước khác. Trước đó, báo cáo giữa kỳ giai đoạn 3a mới chỉ có dữ liệu với chủng Vũ Hán.

Về hiệu quả bảo vệ, tại thời điểm này dù chưa có dữ liệu trực tiếp để đánh giá nhưng theo Thông tư 11 của Bộ Y tế, vì tính cấp bách của tình hình dịch bệnh, Hội đồng đạo đức có thể ước tính hiệu quả bảo vệ trên cơ sở dữ liệu về tính sinh miễn dịch.

Vấn đề này được Nanogen giải quyết bằng các mô hình so sánh dữ liệu về tính sinh miễn dịch của Nano Covax với ba loại vaccine ngoại được lưu hành phổ biến ở Việt Nam, gồm Pfizer, Moderna, Sinopharm. Đây là những vaccine mà hiệu quả bảo vệ phải tối thiểu 50%, theo hướng dẫn của WHO.

Kết quả dù chưa đạt đồng thuận cao nhưng đa số hội đồng đã bỏ phiếu kết luận việc ngoại suy hiệu quả bảo vệ của Nano Covax trên cơ sở tính sinh miễn dịch là đảm bảo tính khoa học, đủ để chuyển hồ sơ tới Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét.

Đây là tín hiệu tích cực nếu so với cuộc họp đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3a - không đủ số phiếu cần thiết về hiệu quả bảo vệ.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Nano Covax phòng COVID-19 cho tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm đợt 3 tại Học viện Quân y. Ảnh: TTXVN

Cuộc họp mở rộng

Điểm đáng chú ý của cuộc họp này là Hội đồng đạo đức đã mời Hội đồng tư vấn đến dự.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, PGS Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, cho biết ông và đồng nghiệp đến cuộc họp để lắng nghe các vấn đề thuộc về chuyên môn của Hội đồng đạo đức, qua đó hiểu rõ hơn kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 3 của Nano Covax.

“Hai hội đồng độc lập với nhau, chưa bao giờ dự cuộc họp của nhau cả. Nhưng với Nano Covax, có lẽ vì tính cấp bách mà Hội đồng đạo đức mời bên tôi dự. Chúng tôi chỉ lắng nghe, không phát biểu ý kiến gì cả và ra về trước khi họ bỏ phiếu. Nhưng dự họp như vậy cũng bổ ích, để hiểu hơn bản chất của kết quả bỏ phiếu” - PGS Truyền cho biết.

Về kết quả cuộc họp, PGS Truyền thông tin vẫn phải đợi văn bản chính thức từ Hội đồng đạo đức. Tuy nhiên, với những gì chứng kiến và thông cáo báo chí mà Hội đồng đạo đức phát đi, có thể thấy báo cáo giữa kỳ giai đoạn 3 của Nanogen “đã giải quyết được nhiều yêu cầu mà Hội đồng tư vấn đặt ra ở phiên họp trước”.

Cụ thể, phiên họp hôm 29-8, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc đề nghị nhà phát triển giải thích rõ hơn về các trường hợp sự cố bất lợi nghiêm trọng trong thử nghiệm Nano Covax; đánh giá bổ sung về tính sinh miễn dịch với biến chủng Alpha, Delta; phân tích, bàn luận thêm về mối liên quan giữa tính sinh miễn dịch của vaccine với hiệu quả bảo vệ.

Tuy nhiên, ông Truyền lưu ý: “Kết quả thử nghiệm lâm sàng là quan trọng nhưng chỉ là một phần trong các hồ sơ đăng ký cấp phép. Hội đồng tư vấn còn phải đánh giá toàn diện các mặt chất lượng, quy trình sản xuất, pháp lý, hành chính. Lúc đó mới có ý kiến tư vấn cho Bộ Y tế là nên cấp đăng ký lưu hành vaccine hay không…”.

8 loại vaccine phòng COVID-19 được phê duyệt có điều kiện tại Việt Nam, tính đến ngày 18-9: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax, Abdala (của Cuba, vừa được phê duyệt này 17-9).

Hội đồng tư vấn có thể họp trong vài ngày tới

Nanogen và nhóm nghiên cứu đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu mới nhất của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia.

PGS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y - đơn vị đầu mối thử nghiệm lâm sàng cả ba giai đoạn Nano Covax, cho biết các yêu cầu bổ sung lần này là không nhiều. “Nhóm nghiên cứu sẽ sớm hoàn tất để chuyển lại Hội đồng đạo đức cũng như Cục Quản lý dược, Bộ Y tế để xem xét theo trình tự cấp đăng ký lưu hành trong trường hợp cấp bách” - ông Mến nói.

Theo Thông tư 11/2021/TT-BYT về cấp đăng ký lưu hành vaccine phòng COVID-19 trong trường hợp cấp bách, chậm nhất là 14 ngày sau khi nhà phát triển vaccine nộp đủ hồ sơ đề nghị cấp phép, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ nhóm họp.

Nhưng với Nano Covax, kế thừa kết quả các cuộc họp có tính chất cuốn chiếu trước đây, thời gian có thể sẽ ngắn hơn. Chẳng hạn, như lần trước chỉ bảy ngày sau cuộc họp của Hội đồng đạo đức, Hội đồng tư vấn đã họp xem xét hồ sơ xin cấp phép của Nanogen.

Nano Covax vẫn phải tiếp tục nghiên cứu lâm sàng theo đề cương

Cho dù được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đánh giá báo cáo thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 3 là đủ điều kiện để chuyển Hội đồng tư vấn cho ý kiến chuyên môn, xem xét cấp đăng ký lưu hành có điều kiện thì Nano Covax vẫn phải tiếp tục nghiên cứu lâm sàng theo đề cương đã được phê duyệt.

Cho đến nay, Nano Covax mới chỉ hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Còn giai đoạn 2 và 3 vẫn đang ở giữa quãng đường. Trong đó, giai đoạn 3 phải kéo dài đến tháng 2-2023 mới kết thúc.

Chỉ bằng các dữ liệu thu thập từ quá trình thử nghiệm lâm sàng này mới có thể tính toán ra con số chính xác về hiệu quả bảo vệ của vaccine trước các biến chủng của virus SARS-CoV-2 so với người không tiêm chủng, bao gồm: Hiệu quả phòng ngừa mắc bệnh do nhiễm virus, phòng ngừa bệnh nặng đến mức phải nhập viện, phòng ngừa tử vong.

Nguồn PLO

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục