Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập:
Nảy sinh nhiều bất cập
Thứ tư: 14:40 ngày 06/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau 5 năm thực hiện, thực tế cho thấy, việc tổ chức, hợp nhất, giải thể nhiều đơn vị sự nghiệp công lập nhằm thu gọn bộ máy, giảm sự cồng kềnh tuy đạt kết quả bước đầu nhưng lại nảy sinh nhiều bất cập.

Tây Ninh cũng đã tổ chức lại 9 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, trong đó có việc thí điểm thành lập trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cụm TP. Tây Ninh trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Tây Ninh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hoà Thành và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Châu Thành.

Như đã thông tin, vừa qua, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh có đợt khảo sát và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 năm 2017 của Trung ương, ở cấp độ địa phương đã bộc lộ những điều cần xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tính đến cuối năm 2023, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh còn 415 đơn vị, giảm 105 đơn vị so với năm 2017. Việc sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học, Tây Ninh hiện có 4 trường phổ thông nhiều cấp học: Trường TH và THCS Long Phước, Trường TH và THCS xã Phan, Trường TH và THCS Bến Củi, Trường TH và THCS Trưng Vương.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: hợp nhất Trường trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh và Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh thành Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh.

Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của địa phương hiện nay gồm 1 trường CĐSP, 1 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, 1 trường trung cấp Y tế. Theo đánh giá thì “qua sắp xếp, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của địa phương hiện nay phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Đối với lĩnh vực y tế, đã giảm 5 đơn vị, sáp nhập 6 đơn vị dự phòng tuyến tỉnh để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Hiện nay, Sở Y tế đang xây dựng đề án kiện toàn chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế. Theo đó, Sở Y tế tiếp tục kiện toàn chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức đối với các đơn vị sự nghiệp tuyến tỉnh- trong đó có Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm để Trung tâm thực hiện các nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế theo quy định.

Một giờ học tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ.

Việc xử lý đối với trụ sở đơn vị sự nghiệp sau sắp xếp, các đơn vị tuyến tỉnh, cơ sở vật chất của các đơn vị sau sáp nhập đã chuyển để làm địa điểm xây dựng cơ sở của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Riêng cơ sở của Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản giao cho Trường trung cấp Y tế để làm cơ sở xây dựng Trường cao đẳng Y tế.                         

Lĩnh vực khoa học và công nghệ, Tây Ninh đã sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng ở địa phương chỉ có tổ chức một đơn vị sự nghiệp công lập là Trung tâm Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Thông tin, Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Trong lĩnh vực văn hoá, thể dục, thể thao, du lịch, tỉnh sắp xếp các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập, hợp nhất Trung tâm Văn hoá, Đoàn Nghệ thuật và Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng thành một đầu mối (Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh).

Tây Ninh đã hợp nhất Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao và Trung tâm Thi đấu thể thao có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành một đầu mối (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh). Tỉnh đã hợp nhất Trung tâm Văn hoá, Thể thao; Đài Truyền thanh và Thư viện thành Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh cấp huyện.

Lĩnh vực thông tin và truyền thông, tỉnh thành lập Trung tâm Công báo - Tin học trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Tin học và Trung tâm Công báo trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Ở các lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác: tỉnh chưa hợp nhất Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp, vì các trung tâm hiện đang hoạt động có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, giải thể Ban Quản lý Khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc, sáp nhập Ban Quản lý Khu rừng văn hoá - lịch sử núi Bà vào Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; và sáp nhập Trung tâm Giống nông nghiệp vào Trung tâm Khuyến nông.

Việc hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông… cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện hiện tại chưa thực hiện.

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tỉnh đã chuyển các Trung tâm Phát triển quỹ đất về trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý…

Cũng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, việc điều chuyển 3 trạm cấp huyện (Chăn nuôi và Thú y, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Khuyến nông) về UBND cấp huyện để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước ở các đơn vị này về phòng nông nghiệp (hoặc phòng kinh tế) cấp huyện chưa thực hiện được.

Nguyên nhân, “chủ trương duy trì hệ thống thú y các cấp đã được UBND tỉnh thống nhất tại Đề án tăng cường năng lực thú y, các Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện được giữ nguyên như hiện nay. Như vậy, nếu thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện sẽ chỉ hợp nhất và chuyển 2 trạm: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp huyện thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Khuyến nông cấp huyện thuộc Trung tâm Khuyến nông về UBND cấp huyện để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện.

Tuy nhiên, nếu không hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện, số lượng người làm việc (biên chế viên chức) dự kiến bố trí cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện chỉ có 6 biên chế, không bảo đảm số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 5 của Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Hơn nữa, việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện tuy giúp giảm 18 đơn vị thuộc chi cục trực thuộc Sở, nhưng lại làm tăng 9 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có văn bản hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện để thực hiện đồng bộ trên cả nước”- UBND tỉnh giải trình với đoàn giám sát.

Sau 5 năm thực hiện, thực tế cho thấy, việc tổ chức, hợp nhất, giải thể nhiều đơn vị sự nghiệp công lập nhằm thu gọn bộ máy, giảm sự cồng kềnh tuy đạt kết quả bước đầu nhưng lại nảy sinh nhiều bất cập. Trước đây, trong một số đợt giám sát của HĐND tỉnh, tại cơ sở, đã có ý kiến đề nghị tách trường học chỉ sau vài năm sáp nhập. “Trung ương xem xét lại các chỉ tiêu giảm về số lượng đơn vị sự nghiệp, biên chế sự nghiệp và chỉ tiêu về mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, nhất là lĩnh vực giáo dục và y tế”- trích kiến nghị của UBND tỉnh tại buổi làm việc với đoàn giám sát.

Đối với Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình các huyện có 5 cơ sở tại các huyện, thị (Hoà Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu) đã bàn giao cơ sở cho UBND huyện, thị xã quản lý. Các cơ sở của các huyện còn lại (Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành và TP. Tây Ninh) hiện vẫn đang do Trung tâm Y tế huyện quản lý và sử dụng.  

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh