BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nên chăng, có cái nhìn thoáng hơn về sản xuất và chế biến khoai mì

Cập nhật ngày: 23/04/2010 - 05:32

Ở Tây Ninh, trong thời gian qua thì cây mì không được đánh giá cao và không được ngành chức năng khuyến khích phát triển do có quan niệm cho rằng trồng cây mì rất mau “hư” đất. Quan điểm này so với thời điểm nhiều năm trước đây thì rất đúng vì đất trồng cây khoai mì bị chai cứng rất nhanh và không còn độ phì nhiêu như trồng các loại cây khác. Hằng năm, trong kế hoạch phát triển cây trồng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cây mì chỉ quy hoạch khoảng từ 15.000 đến 20.000 ha. Thế nhưng thực tế thì hằng năm diện tích cây mì lại chiếm gấp đôi diện tích kế hoạch phát triển, thậm chí có năm diện tích cây khoai mì đạt đến hơn 40.000 ha.

Diện tích cây khoai mì có lúc lên đến hơn 40.000 ha

Theo các chuyên gia trồng mì thì trước tiên do điều kiện thổ nhưỡng Tây Ninh có nhiều vùng rất phù hợp với sự phát triển cây khoai mì. Kế đến là từ khi công nghiệp chế biến khoai mì phát triển thì khoai mì tươi tiêu thụ ổn định và giá cả cũng thường ở mức khá cao so với trước. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là cây mì nhiều năm qua thực chất đúng là cây “xoá đói giảm nghèo”. Bởi vì so với nhiều loại cây trồng khác thì cây khoai mì có mức đầu tư rất thấp- chỉ 5-7 triệu đồng/ha chứ không nhiều như mía- phải từ hơn 15 triệu đồng/ha hoặc không lâu thu hồi vốn như cao su- phải từ 6 năm. Tuy nhiên, thu nhập từ cây mì lại không hề thua các loại cây trồng khác- mỗi ha chỉ cần có năng suất 25 tấn thì có lãi ròng không dưới 20 triệu đồng, lúc giá khoai mì tươi lên cao thì lãi còn cao hơn. Theo một số chuyên gia về môi trường thì hiện nay, nông dân đã tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, biết bồi dưỡng, bón phân cho đất khi trồng mì chứ không “phó mặc cho trời” như trước đây nữa. Vì thế độ phì nhiêu của đất sẽ được giữ gìn để năng suất luôn đạt ở mức cao.

Nỗi lo quan trọng nữa dẫn đến quan điểm không khuyến khích phát triển cây khoai mì là sự ô nhiễm môi trường ở những cơ sở chế biến khoai mì. Nỗi lo này là một thực tế vì trong những năm qua đã có nhiều cơ sở chế biến khoai mì gây ô nhiễm bị đình chỉ hoạt động. Mới đây UBND tỉnh đã phải ra quyết định đình chỉ hoạt động thêm 7 cơ sở chế biến gây ô nhiễm nặng, trong đó có đến 4 cơ sở chế biến khoai mì. Do đó, để bảo vệ môi trường, từ năm 2002 UBND tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương tạm ngưng mở rộng và xây dựng thêm các nhà máy và cơ sở chế biến khoai mì tươi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Lúc đó, tổng công suất chế biến khoai mì trong toàn tỉnh chỉ vào khoảng hơn 1.500 tấn tinh bột/ngày. Thế nhưng chỉ sau hơn 5 năm, tổng công suất hoạt động của các cơ sở chế biến khoai mì đã được nâng lên hơn 3.500 tấn tinh bột/ngày- tăng hơn gấp đôi so với trước.

Vấn đề đặt ra là các cơ sở chế biến khoai mì có thể xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn được chăng? Hiện nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành chức năng đã quản lý chặt chẽ hơn, xử lý quyết liệt hơn nên đã có không ít cơ sở chế biến khoai mì đầu tư xử lý môi trường theo công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn quy định. Ngoài ra, thêm điều kiện thuận lợi nữa là hiện nay các cơ sở chế biến khoai mì đã có được “phao cứu hộ” trong việc xử lý môi trường từ việc thực hiện “Cơ chế phát triển sạch” (CDM) để cung ứng chứng chỉ “Giảm phát thải được chứng nhận” (CERs) cho thị trường thế giới. Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và trong thời gian qua có một số nhà đầu tư từ Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Singapore… đến Tây Ninh khảo sát thực trạng chế biến khoai mì và đã có nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư thực hiện dự án CDM ở một số cơ sở chế biến khoai mì có công suất lớn.

Cơ sở chế biến khoai mì có thể xử lý môi trường đúng tiêu chuẩn

Như vậy, nỗi lo về những bất lợi khi phát triển sản xuất và chế biến khoai mì trước đây đang được xử lý ngày càng tốt hơn. Vấn đề cần thiết hiện nay là tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các khâu khuyến nông cho cây mì để nông dân sản xuất đạt năng suất cao mà không làm suy thoái độ phì của đất, đồng thời tăng cường hơn nữa khâu quản lý, kiểm tra, xử lý các cơ sở chế biến khoai mì, tạo điều kiện tối đa để các chủ cơ sở mạnh dạn đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý đạt đúng yêu cầu.

Sơn TrẦn