Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bên cạnh giáo dục và đào tạo, y tế là một lĩnh vực quan trọng được đề cập đến trong nội dung của Nghị quyết số 19 tại hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XII. Theo tinh thần của Nghị quyết 19 (được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25.10.2017), trong thời gian tới, các địa phương phải tổ chức, sắp xếp lại hệ thống y tế công lập, đặc biệt là y tế cấp cơ sở.
Kiểm tra một cơ sở y tế.
SÁP NHẬP ÐƠN VỊ CÓ CÙNG CHỨC NĂNG
Ðối với lĩnh vực y tế, Nghị quyết số 19 yêu cầu tổ chức các cơ sở y tế theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép theo 3 cấp: chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2 và chăm sóc cấp 3; sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn thành đơn vị kiểm soát dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế. Nghị quyết yêu cầu xây dựng một số bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế, sớm hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và Trung ương thành trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cùng cấp trên cơ sở sáp nhập các tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động lồng ghép. Theo tinh thần của nghị quyết, trong thời gian tới sẽ thực hiện thống nhất mô hình mỗi huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên), bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác; trung tâm trực tiếp quản lý trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực (nếu có). Chính quyền các cấp và ngành Y tế có nhiệm vụ rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực. Nơi đã có cơ sở y tế trên địa bàn cấp xã thì có thể không thành lập trạm y tế xã. Trong thời gian tới, điều chỉnh, sắp xếp lại các bệnh viện bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý. Chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan Nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học).
Theo quy định hiện hành, cơ cấu tổ chức của Sở Y tế (cơ quan quản lý Nhà nước về y tế ở cấp tỉnh) đang tồn tại nhiều chi cục cũng như các trung tâm, đơn vị trực thuộc. Cụ thể, Sở Y tế hiện có hai chi cục trực thuộc là Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở bao gồm hai cấp (tuyến tỉnh và tuyến huyện). Trong đó, tuyến tỉnh có lĩnh vực y tế dự phòng, gồm các Trung tâm: Y tế dự phòng có chức năng phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng ở những tỉnh được phân loại có sốt rét trọng điểm; kiểm dịch y tế ở những tỉnh có cửa khẩu quốc tế; bảo vệ sức khoẻ lao động và môi trường ở những tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Lĩnh vực chuyên ngành, gồm các trung tâm: Chăm sóc sức khoẻ sinh sản; Kiểm nghiệm; Truyền thông giáo dục sức khoẻ; Phòng chống bệnh xã hội (gồm các bệnh lao, phong - da liễu, tâm thần, mắt) ở những tỉnh không có bệnh viện chuyên khoa tương ứng. Lĩnh vực khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, gồm: Bệnh viện đa khoa; Bệnh viện y dược cổ truyền; các bệnh viện chuyên khoa. Mỗi khu vực cụm dân liên huyện có bệnh viện đa khoa khu vực. Lĩnh vực đào tạo gồm trường cao đẳng hoặc trung học y tế. Ngoài tuyến tỉnh, ở tuyến huyện, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là trung tâm y tế huyện) được thành lập thống nhất trên địa bàn cấp huyện cũng trực thuộc Sở Y tế. Ở tuyến huyện, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là trung tâm y tế huyện) được thành lập thống nhất trên địa bàn cấp huyện; nơi chưa có đủ điều kiện tách riêng bệnh viện thực hiện hai chức năng: y tế dự phòng và khám, chữa bệnh; nơi có đủ điều kiện thành lập bệnh viện thì trung tâm y tế huyện chỉ thực hiện chức năng y tế dự phòng.
Ðối chiếu với Nghị quyết số 19, cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Y tế đang có quá nhiều chi cục, đơn vị sự nghiệp cũng như các trung tâm. Theo tinh thần của Nghị quyết 19, việc sáp nhập, thậm chí giải thể một số trung tâm, đơn vị là điều cần được tính đến vì có những đơn vị hoạt động thiếu hiệu quả hoặc trùng lặp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Ví dụ, chức năng hoạt động, nhiệm vụ của Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình và Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản trên thực tế không khác nhau nhiều, hoàn toàn có thể sáp nhập. Cũng có ý kiến nêu, đã có Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản thì Trung tâm Giáo dục truyền thông sức khoẻ có nhất thiết phải tồn tại nữa hay không? Hay như trường hợp Bệnh viện Y học cổ truyền với Trung tâm Phục hồi chức năng cũng hoàn toàn có thể sáp nhập thành một.
Ngoài việc xem xét tổ chức lại, sáp nhập một số đơn vị trực thuộc Sở Y tế, việc có nên duy trì Phòng Y tế (cơ quan quản lý Nhà nước về y tế trực thuộc UBND huyện, thành phố thuộc tỉnh) cũng là điều cần được tính đến. Cách nay chưa lâu, tại Tây Ninh, vấn đề này đã được đặt ra. Việc tổ chức lại hay xoá bỏ phòng y tế xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, tại mỗi huyện, thành phố đã có trung tâm y tế, sự tồn tại của phòng y tế không thật sự quá cần thiết vì không có nhiều việc để làm. Thứ hai, việc xoá bỏ phòng y tế chẳng những bổ sung được nhân lực cho trung tâm y tế hoặc trạm y tế tuyến xã mà còn tiết kiệm được một khoản ngân sách đáng kể. Sau khi giải thể, một vài vị trí chủ chốt của phòng y tế có thể được bố trí vào Văn phòng UBND huyện, thành phố để phụ trách lĩnh vực này (tương tự như việc xoá bỏ Công đoàn giáo dục cấp huyện).
TRẠM Y TẾ Ở ÐÔ THỊ ÐÃ “HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ”
Một vấn đề không phải bây giờ mới được đặt ra, đó là tương lai của y tế tuyến xã. Theo Nghị quyết số 19: “nơi đã có cơ sở y tế trên địa bàn cấp xã có thể không thành lập trạm y tế xã”. Có thể thấy, nội dung vừa nêu trong Nghị quyết 19 là đúng, trúng dù hơi muộn. Trạm y tế của phường và thị trấn thật sự không nên tồn tại. Vì ở khu vực đô thị đã có nhiều cơ sở y tế cả công lập và tư nhân, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho dân cư trên địa bàn. Các đợt giám sát, khảo sát của cơ quan dân cử đối với y tế tuyến cơ sở cho thấy, nhiều trạm y tế ở phường, thị trấn, thậm chí cả những xã vùng sâu đang lâm vào cảnh “chợ chiều”. Tháng 8.2016, Ban Văn hoá - Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức đợt giám sát về hiệu quả hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh. Một trong những vấn đề nổi lên trong hoạt động của y tế tuyến xã mà đoàn giám sát chỉ ra là, hiệu quả hoạt động của trạm y tế không cao. Ðoàn giám sát ghi nhận, trong những năm gần đây, số lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã có chiều hướng giảm, đặc biệt giảm mạnh từ đầu năm 2016. Nhiều phòng chức năng của trạm y tế cấp xã chưa khai thác hết công năng được xây dựng, số phòng chức năng bỏ trống, không sử dụng nhiều năm như phòng sanh... Hoặc có phòng chức năng vừa được xây mới nhưng vẫn chưa bảo đảm quy định về tiêu chuẩn diện tích cũng như quy trình sử dụng của phòng chức năng theo quy định của Bộ Y tế như phòng tiêm chủng. Việc thực hiện một số nhiệm vụ của trạm y tế cấp xã còn hạn chế. Ða số các trạm y tế cấp xã chưa thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng thuốc thiết yếu và tham gia kiểm tra các hoạt động hành nghề y, dược tư nhân. Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế dự phòng thường tập trung vào cuối năm, trưởng trạm y tế cấp xã là bác sĩ chưa bố trí khám, chữa bệnh hằng ngày tại trạm do bận nhiều hoạt động chuyên môn khác. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế dự phòng chưa có sự phối hợp, lồng ghép khi triển khai thực hiện tại tuyến y tế cơ sở. Kinh phí hỗ trợ từ việc thực hiện các chương trình này rất chậm, thường triển khai thực hiện và quyết toán vào cuối năm, gây khó khăn cho cơ sở trong việc thực hiện các chương trình (nhân viên y tế cấp xã mất nhiều công sức, thời gian cho việc ghi chép, báo cáo, thực hiện nhiều yêu cầu kiểm tra, giám sát theo các hệ thống dọc từ tuyến trên).
Tháng 6.2017, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thực hiện đợt giám sát về hiệu quả của dự án đầu tư trang thiết bị y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có trạm y tế. Ðợt giám sát cho thấy, ngoài việc sử dụng chưa hiệu quả các thiết bị được đầu tư, một nguyên nhân cơ bản là do trạm y tế ngày càng ế khách. Tình trạng này càng thể hiện rõ khi quy định về thông tuyến trong khám, chữa bệnh đối với người có thẻ bảo hiểm y tế được áp dụng. Có những trạm y tế mỗi tháng chỉ có chừng 30 - 40 lượt người tới khám, chữa bệnh, lấy thuốc. Có trạm y tế mặc dù vẫn hoạt động hằng ngày nhưng nhiều phòng chức năng, phòng chuyên môn “cửa đóng then cài”.
Việc thành lập mới, sáp nhập, chia tách hay xoá bỏ các đơn vị sự nghiệp cũng như cơ quan hành chính không hẳn chỉ là do vấn đề biên chế hay tài chính, mà căn cứ vào tình hình phát triển của kinh tế và xã hội trong mỗi thời kỳ. Với sự phát triển mạng lưới y tế hiện có, trạm y tế ở khu vực đô thị coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Ðó còn chưa kể, niềm tin của người bệnh và người nhà của họ dành cho tuyến y tế cơ sở rất thấp. Ðiều này giải thích vì sao người bệnh nặng, bệnh nhẹ, thậm chí mới có dấu hiệu bệnh đã “chạy thẳng” lên tuyến trên. Nên mạnh dạn xoá bỏ những trạm y tế này để vừa đỡ tốn ngân sách, vừa bổ sung nhân lực cho cơ sở y tế tuyến trên. Tuy vậy, việc giải thể trạm y tế ở khu vực đô thị hay sáp nhập các đơn vị chuyên môn của ngành y tế có chức năng na ná nhau không thể tiến hành ngay được, vì còn liên quan đến hàng loạt vấn đề pháp lý.
VIỆT ÐÔNG