Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Người tiêu dùng:
Nên chọn siêu thị hay chợ truyền thống ?
Thứ bảy: 10:05 ngày 25/10/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Cách đây mấy năm, những ngôi chợ là nơi cung cấp chủ yếu các mặt hàng bán lẻ thiết yếu hằng ngày, đặc biệt là thực phẩm tươi sống cho người tiêu dùng Tây Ninh. Từ khi siêu thị Co.opMart Tây Ninh ra đời, kế đến là Co.opMart Trảng Bàng khai trương, vị thế “độc tôn” ấy của nhiều ngôi chợ truyền thống đã bị lung lay bởi nhiều người đã chuyển thói quen mua sắm từ chợ sang siêu thị.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị.

Siêu thị “tám lạng”

Khai trương từ giữa tháng 9 năm 2011, Co.opMart Tây Ninh đã có hơn 3 năm hoạt động và đã thu hút được đông đảo người tiêu dùng. Qua từng năm, doanh số bán hàng cũng như lượng khách tìm đến đây đều tăng trưởng từ 20% đến 30%.

Chị Võ Ngọc Diễm- Trưởng bộ phận Marketing của Co.opMart Tây Ninh cho biết: Căn cứ thực tế hằng ngày tại siêu thị có thể thấy, đối với  các mặt hàng cao cấp thì siêu thị đã có nguồn khách hàng tiềm năng. Bằng chứng là một số mặt hàng thực phẩm, trái cây tươi… cao cấp, có giá rất đắt nhưng siêu thị vẫn bán được.

Về phía người tiêu dùng, anh Lộc (phường 3) cho biết, từ khi siêu thị Co.opMart Tây Ninh đi vào hoạt động, anh rất thích vào đây mua hàng, vì ngoài việc tin tưởng chất lượng hàng hoá đã được kiểm nghiệm, còn không lo bị “nói thách”, không mất công trả giá như ở chợ, bởi hàng hoá siêu thị đều được yết giá rõ ràng.

Cũng như anh Lộc, nhiều người thích mua sắm trong siêu thị bởi ở đây người ta được tự do lựa chọn hàng hoá mà không bị áp lực tâm lý từ phía người bán như ở chợ truyền thống. Mua sắm ở siêu thị cũng thuận tiện hơn cho người tiêu dùng, vì siêu thị mở cửa từ sáng đến tối và gần như lúc nào cũng có hàng để bán.

Đối với đối tượng khách hàng là dân văn phòng thường kết thúc giờ làm việc muộn, việc ra chợ có chút bất tiện và  thường “không còn gì để mua”, vì thế siêu thị là sự lựa chọn thích hợp nhất cho họ.

Cũng theo lời chị Diễm, đa số hàng hoá ở siêu thị Co.opMart đều là hàng Việt Nam chất lượng cao. Tất cả sản phẩm tại đây đều do Trung tâm phân phối của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại tại TP. Hồ Chí Minh đưa về và đều phải trải qua một quy trình kiểm tra nghiêm ngặt trước khi đến tay người tiêu dùng.

Các loại rau bán tại siêu thị Co.opMart đều là rau an toàn, được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Các mặt hàng tươi sống của siêu thị được vận chuyển từ trung tâm đầu mối về mỗi ngày bằng xe chuyên dụng.

Thời gian qua, Co.opMart Tây Ninh không chỉ là bạn thân thiết của các bà nội trợ, mà còn là địa chỉ tin cậy, cung cấp thường xuyên các loại thực phẩm tươi sống cho nhiều nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh karaoke và các trường học có bếp ăn tập thể.

Đối với người tiêu dùng ở các huyện xa, thông qua chương trình bán hàng lưu động được tổ chức mỗi tháng 2 lần, Co.opMart Tây Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con vùng nông thôn có dịp tiếp cận và mua sắm tại chỗ. Chương trình này đã được khách hàng nhiệt tình đón nhận.

Tuy nhiên, Co.opMart Tây Ninh vẫn còn có những điểm chưa thật sự làm hài lòng khách hàng của mình. Có nhiều ý kiến cho rằng cách sắp xếp, trưng bày sản phẩm tại siêu thị chưa thật tốt, nhiều lúc khách hàng rất khó tìm được đúng vị trí món hàng mình cần vì có khi bị xếp trộn lại với nhau, hoặc nằm không đúng chỗ niêm yết giá. Điểm này có thể không hoàn toàn thuộc về phía siêu thị, mà do khách hàng lựa chọn tạo ra, nhưng siêu thị cũng cần chú ý để khắc phục.

Chợ cũng “nửa cân”       

Bước vào chợ phường 3, dễ dàng thấy được cảnh buôn bán nhộp nhịp của bà con tiểu thương vào bất cứ ngày nào trong tuần. Dù siêu thị cách đó không xa, nhưng nhiều bà nội trợ vẫn thích đi chợ hơn.

Theo lời chị Thanh (ngụ tại phường 3), chị vẫn giữ thói quen đi chợ mua thực phẩm cho gia đình, vì ở chợ có nhiều chỗ mua hàng đã quen, chị biết rõ ai bán rẻ, ai bán đắt. Đối với thực phẩm tươi sống, chị Thanh cũng thích mua ngoài chợ hơn. Chị cho rằng thịt cá ở siêu thị đều đã qua bảo quản đông lạnh, mất ngon, còn rau quả cũng thường bị giập do qua tay của nhiều người chọn lựa.

Về chuyện nói thách và trả giá, có ý kiến cho rằng chuyện đó coi như một “cuộc đấu vui” giữa bên bán và bên mua, chẳng hề gì bởi dù sao cũng là trên cơ sở thuận mua vừa bán. Thậm chí có người cảm thấy “vui vui” khi được “bớt một thêm hai”. Một số mặt hàng như than củi, tim dầu, nhang… chỉ có thể tìm thấy ở chợ, không hề có trong siêu thị.

Tuy vậy, trước đủ loại tin đồn về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều người tiêu dùng cũng băn khoăn khi mua hàng ở chợ. Bởi lẽ rất nhiều sản phẩm ngoài chợ không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, không được bảo quản, không được kiểm soát đầu vào chặt chẽ như hàng hoá trong siêu thị.

Đồng thời, ở nhiều chợ, thực phẩm tươi sống được bày bán lộn xộn, ruồi nhặng có mặt ở khắp nơi, trông không được vệ sinh, nhất là vào những ngày mưa ẩm ướt.

Thái độ phục vụ chưa chuyên nghiệp cũng là trở ngại lớn của chợ truyền thống. Người mua hàng ở chợ thường phải e ngại khi xem hàng mà không mua, vì họ có thể nhận được cái nhìn không thiện cảm, hoặc tệ hơn nữa là những lời lẽ không hay từ phía người bán hàng.

Tệ nạn cân “điêu” theo kiểu “1 ký còn 800 gam” cũng không hiếm xảy ra. Trong quá trình đô thị hoá, xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, sự ra đời của siêu thị là điều tất yếu. Thế nhưng, không vì có siêu thị mà chợ truyền thống bị lãng quên. Chợ truyền thống không chỉ là nơi mua bán hàng hoá mà còn là nơi chứa đựng nét văn hoá riêng của từng địa phương, vùng miền.

Trà Giang

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục