Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Góc nhìn
Nên có cái nhìn đúng đắn, khách quan về dạy thêm và học thêm
Thứ bảy: 16:04 ngày 27/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhà nước cần nhìn nhận nó một cách khách quan, không nên có các cấm cản cực đoan, cứng nhắc, mà cần có những quy định phù hợp, nhất là nội dung, cần dạy thêm, học thêm, điều kiện, tiêu chuẩn đối với thầy giáo, cô giáo, về cơ sở vật chất để được dạy thêm, học thêm.

Kỳ họp Quốc hội lần thứ 2, khoá XV vừa kết thúc. Trong phần nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo có nhiều đại biểu chất vấn về vấn đề dạy thêm, học thêm. Có đại biểu lên án và đề nghị phải có biện pháp chấm dứt việc dạy thêm, học thêm, có đại biểu lại cho rằng dạy thêm, học thêm cũng cần thiết. Vậy quan điểm nào là đúng và chúng ta nên ủng hộ quan điểm nào?

Dù là quan điểm nào đi nữa, tôi cho rằng, việc dạy thêm, học thêm vẫn sẽ tồn tại. Vì từ xưa tới nay chưa có cơ quan nào, tổ chức nào đứng ra chính thức lấy ý kiến thăm dò dư luận người dân- nhất là các bậc phụ huynh học sinh xem có bao nhiêu phần trăm phản đối việc dạy thêm, học thêm, bao nhiêu phần trăm đồng tình. Mà nếu đã chưa lấy ý kiến tại sao lại cho rằng dạy thêm, học thêm là không cần thiết, phải loại bỏ, phải lên án?

Bên cạnh đó có quan điểm cho rằng dạy thêm, học thêm là cần thiết, không nên bị loại bỏ hoặc lên án. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Công Long- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đặt vấn đề và phân tích rằng từ trước đến nay chúng ta tiếp cận vấn đề dạy thêm ở tư duy cũ, như một vấn nạn của xã hội và xử lý theo cách cấm.

Là một phụ huynh- đã từng đưa con đi học thêm, bản thân tôi thấy chúng ta cũng cần có cái nhìn đúng đắn, khách quan về vấn đề dạy thêm của thầy, cô giáo và việc học thêm của con em chúng ta; bởi vì các bậc cha mẹ nào cũng muốn con em mình trong quá trình học ở bậc phổ thông có một nền tảng kiến thức vững vàng, bảo đảm tương lai sự nghiệp mai sau.

Nếu các bài học, kiến thức tiếp thu ở lớp học sinh và phụ huynh thấy chưa yên tâm, cần phải có người hướng dẫn sâu hơn; nhất là những môn học phục vụ cho ngành, lĩnh vực mà học sinh lựa chọn chuẩn bị cho con đường vào đại học của mình. Xét về góc độ đó thì học thêm, dạy thêm là cần thiết, người dân và phụ huynh chỉ phản đối và lên án việc dạy thêm, học thêm với những biểu hiện mất tính nhân văn và phi giáo dục mà thôi.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giải quyết dạy thêm, học thêm cần những giải pháp ở phương diện hành chính nhưng cũng cần những giải pháp chuyên môn cũng như dư luận xã hội. Nhưng cần nhấn mạnh, nếu giáo viên bớt nội dung cần dạy trên lớp, dạy cho nhóm riêng biệt để dạy thêm thì đây là vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo.

 Như vậy có mấy biểu hiện chính: thứ nhất, nhiều thầy cô giáo khi dạy trên lớp thì qua loa, lôi kéo học sinh về nhà để dạy thêm các nội dung mà đáng lẽ trên lớp thầy cô phải giảng giải truyền đạt cho học sinh nắm; hoặc học sinh nào đi học thêm thì được thầy cô dạy trước chương trình, chỉ trước bài ngày mai sẽ kiểm tra, cho điểm cao. Thứ hai, ra giá ăn tiền, đóng tiền trước mới được học.

Từ xa xưa tới nay, nghề giáo là nghề cao quý nhất, người thầy luôn được xã hội tôn kính, nhưng với việc nhiều nơi, một số thầy, cô giáo có xử sự như trên thì đáng buồn, đáng suy nghĩ và con sâu làm rầu nồi canh, xã hội bị tổn thương, làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo, làm cho nhà giáo bị “nhẹ thể”.

Thứ ba, nội dung dạy thêm, học thêm đáng lẽ là nội dung chuyên sâu, nâng cao hoặc là những nội dung giúp cho các em học sinh mất căn bản theo được chương trình, nắm được bài, nhưng có nhiều thầy cô bê nguyên chương trình trong lớp để dạy học sinh, rồi khi đến lớp dạy sơ qua, em nào không học thêm theo kịp thì tốt, không theo được thì… phải đi theo thầy cô “học thêm” thôi.

Những thầy cô nào có những hành vi trên mới bị xã hội lên án và cần được ngành Giáo dục quan tâm chấn chỉnh. Còn việc dạy phụ đạo, dạy bồi dưỡng cần phải nhìn nhận và trả lại “đúng tên” cho nó và hình ảnh người thầy luôn mãi là hình ảnh đẹp, cao quý trong lòng mọi người.

Tóm lại, theo tôi việc dạy thêm, học thêm là một nhu cầu thực tế của xã hội, Nhà nước cần nhìn nhận nó một cách khách quan, không nên có các cấm cản cực đoan, cứng nhắc, mà cần có những quy định phù hợp, nhất là nội dung, cần dạy thêm, học thêm, điều kiện, tiêu chuẩn đối với thầy giáo, cô giáo, về cơ sở vật chất để được dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, cần đề cao đạo đức nhà giáo, mỗi thầy cô là một tấm gương sáng để học sinh noi theo và cuối cùng lấy lại niềm kính trọng, sự tôn sư, trọng đạo thật sự của xã hội.

Nguyễn Nhiếm

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục