Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nền kinh tế ngầm sôi động ở Triều Tiên
Thứ năm: 08:53 ngày 12/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dù luôn sống trong vòng cấm vận bủa vây của quốc tế và những luật lệ nghiêm khắc của chính quyền, người dân Triều Tiên đã chứng tỏ họ có thể thích nghi để sinh tồn.

Một nhà buôn Trung Quốc bốc hàng lên xe để chở qua Triều Tiên - Ảnh: AFP

Tính từ đầu tháng 8-2017, Liên Hiệp Quốc đã thông qua thêm 2 gói trừng phạt chống lại Triều Tiên. Bình Nhưỡng hiện không thể nhập dầu thô và xuất khẩu các mặt hàng quan trọng của họ như sắt, than, chì, hải sản, dệt may, lao động...

Các nước lớn hi vọng rằng những biện pháp trên sẽ khiến Triều Tiên khuất phục, hay ít nhất là chịu ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng các học giả nghiên cứu về Triều Tiên thì cho rằng đó là một suy nghĩ "ngây thơ".

Theo ông Justin Hastings, giáo sư Đại học Sydney (Úc), Bình Nhưỡng có thể gặp khó khăn nhưng kinh tế nước này sẽ không sụp đổ vì cấm vận. Nền kinh tế Triều Tiên đã "tiến hóa" để chịu đựng - và thậm chí là tăng trưởng - chính xác trong những điều kiện khó khăn như vậy.

Tất nhiên không thể dùng từ "bùng nổ" để mô tả Triều Tiên trong hoàn cảnh bị cấm vận, nhưng theo số liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc thì kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng 3,9% trong năm ngoái.

Lý do: Dù được mệnh danh là "quốc gia bí ẩn", Triều Tiên thật ra không quá cô lập như người ta tưởng. Qua nhiều năm, họ đã sáng tạo ra nhiều cách kết nối với nền kinh tế toàn cầu, thiết lập được một mạng lưới giao thương khá mạnh với thế giới bên ngoài.

Dân Triều Tiên, dù thuộc bất cứ tầng lớp xã hội nào, đều nằm trong số những nhà kinh doanh có năng lực của thế giới.

Giáo sư Justin Hastings

Cái khó ló cái khôn

Nạn đói lớn thời những năm 1990 để lại cho dân Triều Tiên nhiều bài học về mưu sinh. Các học giả nhận xét gần như mọi tổ chức ở Triều Tiên - dù thuộc nhà nước hay tư nhân, đều tìm ra cách để kiếm tiền. Họ đã thích nghi để lách cấm vận quốc tế, qua mặt chính quyền, tránh né Trung Quốc hoặc tránh né cả ba.

Ở thượng tầng, các doanh nghiệp nhà nước Triều Tiên nghĩ ra nhiều cách tinh vi để lách cấm vận. Họ lập ra các mạng lưới công ty bình phong với đăng ký giả, xài tài khoản ngân hàng và giấy tờ mang thông tin mơ hồ, đánh lạc hướng... 

Ấn tượng nhất, qua các kênh riêng, Triều Tiên "nhờ" được các công ty nước ngoài (không bị cấm vận) lo hết mọi hoạt động mua bán, vận chuyển, kho bãi trên khắp thế giới và chỉ dừng lại ở biên giới nước này. Họ chỉ còn mỗi việc nghĩ ra cách để chuyển tiền và bốc dỡ hàng hóa ở biên giới. 

Một đoàn xe tải chở hàng viện trợ xếp hàng ở khu vực biên giới Trung - Triều - Ảnh: Yonhap

Ở tầng dưới, người dân Triều Tiên tự lập ra các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, tất nhiên là không đăng ký. Họ mua bán, trao đổi hàng hóa ở các địa điểm kín đáo, tự giao dịch với đối tác nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đáng chú ý, các thương nhân Triều Tiên xây dựng được nhiều mạng lưới buôn lậu rộng khắp, với sự đồng thuận ngầm của doanh nghiệp và quan chức chính phủ Triều Tiên lẫn Trung Quốc. 

Họ bắt tay tìm ra đủ cách để vận chuyển hàng hóa vượt biên giới Trung - Triều. Mùa hè, họ dùng tàu để vượt sông Áp Lục và Đồ Môn; mùa đông, họ dùng xe tải chạy trên mặt sông đóng băng; trên biển, họ gặp nhau trong vùng nước quốc tế để trao đổi, mua bán...

Phỏng vấn riêng với nhà báo, một tay buôn lậu tiết lộ đã thỏa thuận với nhà chức trách Trung Quốc cho phép một tỉ lệ hàng hóa nhất định bị bắt giữ trong các cuộc truy quét định kỳ, như vậy để cánh làm ăn có thể tiếp tục hoạt động, còn các quan chức đáp ứng đủ chỉ tiêu của cấp trên!

Buôn lậu đi trước, cấm vận theo sau

Điều trớ trêu là các mạng lưới buôn lậu ở biên giới Trung - Triều hoạt động hiệu quả như vậy cũng nhờ hoàn cảnh khó khăn của kinh tế Triều Tiên. Trên thực tế, các học giả phương Tây phát hiện phần lớn khối lượng giao thương khoáng sản, dệt may và hải sản của Triều Tiên đã đi theo kênh buôn lậu trước cả khi Liên Hiệp Quốc áp lệnh cấm vận.

Trong điều kiện kinh tế - chính trị đặc thù của Triều Tiên, các thương gia chuộng hình thức buôn lậu hơn, bất kể cấm vận nào đang có hiệu lực, vì nó giúp họ giảm thiểu những rủi ro gây ra bởi bất ổn chính trị. Chẳng hạn trong cuộc cải cách tiền tệ năm 2009 của Bình Nhưỡng, đồng won Triều Tiên chỉ sau một đêm ngủ dậy đã trở thành vô giá trị...

Nhìn chung, có nhiều lý do để buôn lậu ở Triều Tiên: Buôn lậu hải sản vì người ta không thể nhìn chúng thối rữa trong lúc chờ hoàn thành hàng đống thủ tục hành chính, hải quan; buôn lậu khoáng sản vì không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng được phép bán mặt hàng này; buôn lậu thực phẩm, thuốc men vì chính quyền giới hạn số lượng mua bán...

Một lái buôn Triều Tiên thậm chí ước tính khoảng 70% giao thương Trung - Triều qua thành phố cửa khẩu Đan Đông (Trung Quốc) là hàng buôn lậu. Đây là một số liệu ấn tượng, dù khó kiểm chứng.

Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, tuy gọi là buôn lậu nhưng thật ra các hoạt động mua bán tấp nập trên đều mang về cho ngân sách Triều Tiên một số tiền nhất định. Điều này có thể giải thích phần nào lý do tại sao nhà lãnh đạo Kim Jong Un thời gian qua tỏ ra không hề ngán cấm vận và cứ liên tục thử tên lửa, bom hạt nhân.

Một người lính Triều Tiên đứng gác ở một nhà tù bên bờ sông Áp Lục giáp biên giới Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Tín hiệu bất mãn

Khả năng thích ứng của Triều Tiên không phải bàn cãi nhưng cũng có giới hạn. Gần đây, Trung Quốc dọa tung ra một số biện pháp khiến việc lách cấm vận của Triều Tiên trở nên khó khăn hơn.

Chẳng hạn, nếu Bắc Kinh hạ quyết tâm cấm các công ty liên danh Trung - Triều, yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc ở Triều Tiên rút về nước và đuổi các công ty Triều Tiên ra khỏi Trung Quốc như họ đã đe dọa trước đó, thì sẽ tác động không nhỏ đến túi tiền vốn đã teo tóp của dân Triều Tiên.

Cho đến nay, các quan chức hải quan và biên phòng Trung Quốc "mắt nhắm mắt mở" với chuyện buôn lậu qua biên giới Trung - Triều miễn đó không phải là vũ khí hay ma túy, nhưng sự dễ dãi này có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.

Tin tức từ giới làm ăn Trung Quốc trong tháng qua cho thấy các mạng lưới buôn lậu và nơi trao đổi hàng hóa với Triều Tiên hoạt động khá chật vật trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc tiến hành truy quét. 

Nhưng có vẻ đây chỉ là tạm thời, vì nếu thật sự muốn cắt đứt hoàn toàn hoạt động buôn lậu của Triều Tiên, cả Trung Quốc lẫn Nga sẽ phải phong tỏa toàn bộ biên giới với nước này.

Dù Trung Quốc đã mạnh tay hơn bao giờ hết khi ủng hộ hai gói cấm vận chống lại Bình Nhưỡng của LHQ, giới quan sát vẫn cho rằng mục đích của Bắc Kinh không phải là đẩy Triều Tiên đến sự sụp đổ, họ chỉ muốn gửi đi thông điệp "không hài lòng" và đưa nước này trở lại bàn đàm phán.

Nói tóm lại, "phong tỏa Triều Tiên" chỉ là mơ ước của một số nước, trừ khi xuất hiện một thay đổi chiến lược nào đó trong tính toán của Trung Quốc. Còn bây giờ thì chưa có tín hiệu nào cho thấy điều này sẽ xảy ra.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục