BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nên tổng kiểm tra “bác sĩ mạng” 

Cập nhật ngày: 22/11/2023 - 09:35

Bác sĩ Hà Duy Thọ” nổi tiếng trên mạng xã hội vừa bị thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện là hoàn toàn mạo danh, bịa đặt, không bằng cấp, không chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, chưa từng công tác tại bất cứ bệnh viện lớn nào như tự xưng, bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc... Điều này khiến nhiều người giật mình, lo ngại vì sự nguy hại của việc tràn lan của các “bác sĩ mạng” hiện nay.

“Bác sĩ Hà Duy Thọ” được thổi lên tận mây xanh với học hàm “giáo sư”, là “chuyên gia dinh dưỡng và thực dưỡng, tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 1996, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai , Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam”.

Ông này có ngoại hình rất mực thước, mái tóc bạc dài, trán cao, cặp kính và áo blouse trắng, như một nhà khoa học đáng kính. Ông có những phát ngôn gây xôn xao, hoang mang dư luận, ví dụ như: “Uống sữa bò gây loãng xương”, “con người uống sữa động vật là vô bổ”, “nước mắm rót ra 4 tiếng không ăn hết sẽ sinh ra chất gây ung thư”.

Thế nhưng cũng có không ít người tin vào những phát ngôn ấy do cách “bác sĩ Hà Duy Thọ” nói có vẻ rất khoa học và chân thành. Nhưng hóa ra tất cả thông tin ấy không xuất phát từ nghiên cứu khoa học tin cậy, rõ ràng nào, mà ông “bác sĩ” thú nhận là đã đi cóp nhặt thông tin kiểu không rõ nguồn gốc.

Kênh Youtube có tên “bác sĩ Hà Duy Thọ” giới thiệu ông từng công tác tại nhiều bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức. Ảnh chụp màn hình ngày 16-11 (nld.com.vn)

Thời gian qua, hiện tượng “bác sĩ mạng” rất phổ biến trên mạng xã hội. Từ những người tự quảng cáo là “3 đời làm thuốc đông y” có những bài thuốc gia truyền chữa các bệnh hiểm nghèo “bệnh viện trả về” như ung thư, suy gan, suy thận, đến những “bác sĩ”, “dược sĩ” tự giới thiệu là có khả năng thần kỳ trong chữa mất ngủ, suy nhược, yếu sinh lý, giúp phụ nữ hồi xuân...

Đã có không ít người tiền mất tật mang, mua các sản phẩm thuốc mập mờ vì tin theo những quảng cáo, những thông tin y học đầy khoa trương ấy. Cùng với đó, các tin giả, thông tin sai trái liên quan đến y học, khoa học dinh dưỡng do “bác sĩ mạng” lan truyền có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của cộng đồng và gây bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp.

Cuối năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông có một “chiến dịch” phối hợp với Google để truy tìm và loại bỏ các video quảng cáo phóng đại về thần y, thần dược, “nhà tôi ba đời chữa bệnh”. Hiệu quả của chiến dịch này khá rõ khi các quảng cáo kiểu trên đã giảm đi. Tuy nhiên, việc truy quét các clip quảng cáo thuốc, dược phẩm, dịch vụ chữa bệnh sai trái là chưa đủ, vì mới chỉ giải quyết ở phần ngọn vấn đề.

Điều cần làm hiện nay là Bộ Y tế, Bộ Công an nên phối hợp với các địa phương để thực hiện một đợt tổng kiểm tra tất cả những người tự xưng là “giáo sư”, “tiến sĩ”, “bác sĩ” đang quảng cáo, truyền thông trên mạng xã hội lên quan đến sức khỏe, thuốc, sản phẩm dinh dưỡng, phương pháp dinh dưỡng, thực phẩm chức năng. Nếu phát hiện ra những sai phạm cần phải xử lý nghiêm để tăng tính răn đe, kể cả xử lý hình sự. Ngay cả những nghệ sĩ quảng cáo cho các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, tâng bốc thái quá chất lượng của thuốc cũng cần phải được quy trách nhiệm rõ ràng.

Các hoạt động khám, chữa bệnh, mua, bán thuốc, các sản phẩm liên quan tới sức khỏe người dân cần phải được quản lý, kiểm sát chặt và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm, không thể để tình trạng nhiễu loạn “bác sĩ mạng” tiếp diễn.

Nguồn Báo QĐND