BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nét đẹp Chùa Chung Rút 

Cập nhật ngày: 19/07/2024 - 10:19

BTNO - Chùa Chung Rút tọa lạc ở ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, là nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã Hòa Hiệp.

Đại sư San Văn Xiên ở Chùa Chung Rút kể, ngôi chùa được xây dựng từ năm 1990. Ban đầu Chùa được dựng bằng gỗ, những năm qua, chùa được các mạnh thường quân ủng hộ, phật tử cúng dường nên mới có kinh phí trùng tu, sửa chữa nên mới có diện mạo khang trang như hiện nay.  

Đến tham quan Chùa Chung Rút chúng tôi thấy trong chánh điện, nhà sư Ân Văn Pát đang chăm chú vẽ những bức bích họa kể về cuộc đời đức Phật từ khi xuất gia đi tu tới khi đắc đạo. Những bích họa này có tính mỹ thuật cao và đậm phong cách Khmer.

Chùa Chung Rút được xây dựng theo lối văn hóa kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer. Tên đầy đủ của ngôi chùa này là Risathia Ratanaut Ðom Chung Rút. Theo lời Đại sư San Văn Xiên: “Ratanaut Ðom có nghĩa là “phước báu cao cả,” còn Chung Rút có nghĩa là “bồ lúa”.

Đại sư giải thích, sở dĩ nơi này có tên là “bồ lúa”, vì thời chiến tranh bà con trong phum sóc thu hoạch lúa xong, không đem về nhà mà làm những cái bồ vuông giấu lúa ngoài bàu, để đề phòng nếu giặc có đến đốt nhà cửa thì vẫn còn lúa để ăn và còn lúa giống cho mùa sau. Dần lâu ngày, phum này được mọi người quen gọi là phum Chung Rụk. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng trên nền của phum xưa nên mới lấy tên như vậy.

Ở Tây Ninh hiện có 6 ngôi chùa Khmer, trong đó Chùa Chung Rút được xem là ngôi chùa đẹp, được nhiều người ưa thích.

Cổng chùa được thiết kế kiểu tam tháp tượng trưng cho ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng. Hai bên cổng chùa có hai tượng Keynor (tiên nữ hình chim) kết hợp với nhiều hoa văn họa tiết rất tinh xảo.

Nhà sư Ân Văn Pát miệt mài vẽ bích họa trên các bức tường trong ngôi chánh điện.

Các bích họa kể về cuộc đời đức Phật từ khi xuất gia cho tới khi thành đạo.

Các bích họa giàu chất mỹ thuật, đậm phong cách Khmer.

Công trình đang trong quá trình thi công nhưng đã cho thấy sự lộng lẫy.

Ngôi chánh điện được xây dựng trên một nền cao ráo, chắc chắn và theo kiến trúc Khmer Nam bộ.

Trên trụ cờ trước sân, tạo tác hình rắn Narar bảy đầu- tượng trưng cho nguồn nước vĩnh cửu.

Trên mái diềm là biểu tượng Rehu ngậm nửa vành trăng đang phun nước.

Nơi những hàng cột chống đỡ phần mái chùa là những biểu tượng Garuda xen kẽ với các tiên nữ rất đẹp.

Bên trong chánh điện được bài trí một số pho tượng Thích Ca với nhiều kích thước và tư thế khác nhau

Đại sư San Văn Xiên sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Ông rất yêu quý ngôi chùa và dành hết thời gian trông nom, gìn giữ nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer Hòa Hiệp.

Đại Dương