BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nét đẹp nông thôn mới qua ảnh nghệ thuật 

Cập nhật ngày: 17/09/2018 - 07:30

BTN - Thành quả xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta hiện được thể hiện khá đầy đủ ở triển lãm ảnh nghệ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ XIV năm 2018 đang diễn ra tại trụ sở Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh.

Tác phẩm “Rau sạch công nghệ Aquaponics” của Lê Văn Hải.

Triển lãm giới thiệu 67 bức ảnh nghệ thuật với chủ đề “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”. Ðây là những tác phẩm được chọn lọc qua 214 tác phẩm của 35 tác giả trong tỉnh tham gia Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ XIV năm 2018.

Các tác phẩm phản ánh sinh động và nêu bật được hình ảnh, con người và vùng đất Tây Ninh trong quá trình xây dựng nông thôn mới như xây dựng cơ sở hạ tầng, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp làm ăn có hiệu quả... 

Bên cạnh đó, một số tác phẩm thể hiện chân dung người tốt, việc tốt trong xây dựng nông thôn mới, các mẫu hình “Làng quê đáng sống”, “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, “5 không 3 sạch” v.v…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN) Lê Bi đoạt giải Nhất cuộc thi với tác phẩm “Nhân giống sinh học cây trồng”. Ông cho biết nội dung tác phẩm thể hiện một trong những hoạt động hằng ngày của nhân viên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh).

Ở đó, các nhân viên âm thầm nghiên cứu, trồng thí nghiệm các loại cây trồng mới. Ðể từ đó đưa đến cho nông dân những giống cây nông nghiệp có năng suất cao, giúp nhà nông nhanh chóng làm giàu trên mảnh đất của mình. Tác phẩm “Thu hoạch nấm linh chi đỏ” của tay máy Nguyễn Nhật Tường (đoạt giải Nhì) giới thiệu một mô hình mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tác giả ghi lại khoảnh khắc thu hoạch nấm linh chi đỏ trong một trang trại trồng nấm ở huyện Tân Biên. Ðây là một trong những loại nấm khá hiếm, có giá trị kinh tế cao và mới được trồng ở tỉnh ta. Trong điều kiện ánh sáng cực kỳ yếu ở nơi trồng nấm, tác giả phải chụp bằng kỹ thuật phơi sáng và chụp ở góc máy thấp nên đã tạo được một tác phẩm đẹp mắt.

NSNAVN Lê Văn Ðính đem đến cho cuộc thi tác phẩm “Hạnh phúc” (giải Ba) rất đơn giản, nhưng đầy cảm xúc. Tác phẩm ghi lại khoảnh khắc người nông dân tạm dừng tay vui đùa với cô con gái bé bỏng trong những giàn khổ qua xanh mướt. Bằng kỹ thuật xoá phông, lấy nét đúng trọng tâm đã thể hiện được sự hồn nhiên, tươi sáng trong nụ cười, ánh mắt của cô con gái nhỏ. Tất cả những chi tiết ấy được thể hiện một cách tự nhiên, không gượng ép, làm toát lên hạnh phúc đời thường của những người nông dân chân chất, một nắng hai sương.

Ở những tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cũng có nhiều thông tin rất bổ ích cho những ai quan tâm đến xây dựng nông thôn mới, như “Thu hoạch chanh dây” của tác giả Hà Thế Bảo. Chanh dây là một trong những loại cây nông nghiệp mới được trồng quy mô lớn ở tỉnh ta trong thời gian gần đây.

Loại cây nông nghiệp mới này đạt năng suất ra sao, chỉ cần nhìn bao chanh nặng trĩu trên vai và nụ cười mãn nguyện của những người thu hoạch trong tác phẩm của Hà Thế Bảo là có thể hiểu được. “Trang trại trồng lan Ngọc Ðiểm” của NSNAVN Dương Ðức Kiên giới thiệu đến công chúng nghề mới ở vùng nông thôn biên giới xã Tân Hà (huyện Tân Châu). Ðó là đem các loại lan rừng, nhiều nhất là lan ngọc điểm về nhà ươm trồng với quy mô lớn rồi bán về các thành phố lớn trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Ngoài những tác phẩm đoạt giải, Ban Tổ chức còn chọn thêm 56 tác phẩm khác để cùng triển lãm. Mặc dù các tác phẩm này chưa đạt điểm tối đa về kỹ thuật như bố cục, ánh sáng, đường nét, sắc độ, nhưng chứa đựng nhiều nội dung về xây dựng nông thôn mới.

Ðiển hình như tác phẩm “Ðiện về nông thôn” của tay máy trẻ Cao Chí Thành. Tác phẩm ghi lại khung cảnh lao động khẩn trương của một tốp công nhân ngành Ðiện lực đang thi công lắp đặt những trụ điện trung thế ở một vùng quê trong tỉnh. Tác phẩm “Ðường mới nông thôn” của Lê Văn Hải thể hiện một công nhân đang phủ lớp nhựa lên mặt đường đất đỏ để nâng cấp đường giao thông nông thôn.

Với cách chụp ảnh từ trên cao xuống, tác giả cho người xem một góc nhìn khá mới về nông thôn ngày nay. Tác giả Trịnh Thế Hùng giới thiệu đến công chúng xưởng chế biến cá ba sa ở huyện Trảng Bàng. Từ trước tới nay, nghề nuôi cá ba sa và chế biến thực phẩm từ loại thuỷ sản này chỉ phát triển ở các tỉnh miền Tây Nam bộ của nước ta, ít ai nghĩ rằng ngành nghề này lại đang phát triển ở một tỉnh thừa nắng nóng thiếu sông ngòi như Tây Ninh.

“Chăm sóc dưa lưới” của Nguyễn Nhật Tường cũng là tác phẩm thu hút nhiều khán giả đến xem trong ngày khai mạc triển lãm. Những cây dưa lưới xanh tốt trồng trong nhà kín với công nghệ tiên tiến, hoàn toàn tự động từ khâu tưới nước, vô phân, năng suất cao phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của tỉnh.

Nhận xét về cuộc thi ảnh nghệ thuật lần này, bà Ðặng Thị Phượng- Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nói: “Về chất lượng, các tác phẩm dự thi lần này đã bám sát được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phản ánh sinh hoạt đời sống nhân dân và sự thay đổi bộ mặt nông thôn tại các địa phương trong tỉnh”.

Ðại Dương