Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo phong tục của người Dao Thanh Phán trước buổi lễ đón dâu, gia chủ phải mời thầy cúng đến nhà làm lễ để "làm sạch nhà cửa".
Bắc Giang có 26 dân tộc anh em cùng chung sống. Dân tộc Dao chiếm không nhiều, chủ yếu ở huyện Lục Ngạn và Sơn Động, nhưng đây lại là dân tộc còn giữ được nhiều bản sắc văn hóa riêng, trong đó có nghi lễ tổ chức lễ cưới hỏi cho con theo phong tục truyền thống của dân tộc mình. Với người Dao, một gia đình tổ chức lễ cưới cho con cái thì đồng thời là việc vui, ngày hội của cả làng, cả bản.
Đồng bào Dao ở huyện Sơn Động chiếm gần 20% dân số bao gồm người dao Thanh Phán và dao LoGan sinh sống ở 5 xã vùng cao. Nhiều phong tục tập quán của dân tộc vẫn còn được lưu giữ, trong đó có đám cưới truyền thống vẫn mang đậm bản sắc văn hóa. Con trai, con gái người Dao nếu ưng ý nhau thì nhà trai sẽ cầm một chai rượu đến nhà gái ăn hỏi và xin lá sớ để ghi ngày sinh, tháng đẻ của cô dâu và chú rể, sau đó định ngày cưới.
Theo phong tục của người Dao Thanh Phán trước buổi lễ đón dâu, gia chủ phải mời thầy cúng đến nhà làm lễ để "làm sạch nhà cửa". Trước bàn thờ, thầy cúng trịnh trọng mời tổ tiên, các vị thần linh về chứng giám việc đôi trẻ kết hôn, đuổi sạch tà ma và sự xấu xa. Thầy cúng cũng chuẩn bị tiền vàng, hương nến bằng giấy để chia cho tổ tiên, gia tiên. Theo người Dao thì việc chuẩn bị tiền vàng cho gia tiên rất quan trọng. Thứ tiền này được làm bằng loại giấy đặc biệt do bà con tự làm ra. Sau đó đặt lên bàn thờ để sau khi cúng xong thì hóa mã. Bất cứ công việc gì từ cưới xin, đám tang hay lễ hội của đồng bào người Dao cũng đều phải có thủ tục này.
Bên cạnh công việc của thầy cúng, từ sáng sớm, anh em họ hàng đã tập trung tại nhà chú rể để chuẩn bị sang nhà gái đón dâu. Người thịt lợn, bắt gà, người đan sọt để dựng đồ dẫn cưới. Theo phong tục của người Dao, ngày trước thường do đường xa, đi lại vất vả nên thường đi đón dâu trước một ngày. Ngày nay, dù đường xa hay gần thì tục lệ này vẫn được giữ lại. Đoàn đi đón dâu của nhà trai thường chỉ có 5 hoặc 7 người hoặc có thể nhiều hơn nhưng nhất thiết phải là số lẻ và phải có một cô gái làm người dẫn dâu, tất cả đều mặc quần áo của dân tộc mình. Dù lễ ăn hỏi đơn sơ thế nhưng đến khi đón dâu, nhà trai cũng chỉ mang theo hai đôi gà, một chân giò lợn, hai bình rượu và một ít bánh kẹo, thuốc lá. Khi tất cả đã chuẩn bị xong, đến giờ đẹp cả đoàn sẽ xuất phát đi đón dâu. Tất cả đều phải đi bộ, phải trèo đèo, lội suối nên phải đến chiều tối mới đến được nhà gái. Lúc này ở nhà gái, anh em họ hàng đã tập trung đông đủ, cô dâu mặc trang phục của dân tộc mình. Khi đoàn nhà trai đến thì mời vào nhà. Trước bàn thờ tổ tiên, họ nhà trai đứng một bên, nhà gái đứng một bên, đại diện cho hai họ đứng lên để trao lễ và nhận lễ. Đồng thời, đại diện nhà trai sẽ thưa chuyện với cả họ, xin được đón cô dâu về nhà để làm con cháu. Cô dâu, chú rể sẽ đi mời rượu và nghe lời căn dặn của họ hàng hai bên để khi về sống với nhau được hạnh phúc. Tiếp đó, hai họ sẽ cùng ngồi uống rượu, cùng hát đối, giao duyên cho đến tận tối khuya. Đoàn nhà trai sẽ ngủ lại nhà cô dâu để đến đúng 4 giờ sáng sẽ xin dâu về. Theo quan niệm của người Dao thì 4 giờ là giờ đẹp nhất.
Sau khi đoàn đón dâu của nhà trai về đến cổng thì cũng là lúc làm các thủ tục kết duyên và lễ tơ hồng. Đây chính là thủ tục quan trọng nhất để công nhận cô dâu chính thức trở thành con cháu trong nhà… Khi cả đoàn về đến cổng thì nhà trai có đội kèn thổi mời nhà gái vào nhà. Ý nghĩa của lời kèn như sau: "Mở rộng cửa đón dâu mới về. Đón chào anh em bạn bè nhà gái. Từ đây kết thành một nhà. Một gia đình mới trăm năm hạnh phúc. Sớm có con cháu. Nào, anh em ta hãy cùng vào nhà ngồi uống nước, ngồi uống rượu chúc đôi vợ chồng mới." Đội kèn cứ thổi cho đến khi nhà gái vào hết trong nhà thì thôi. Lúc này là đến lúc làm lễ tơ hồng. Gia đình nhà trai sẽ chọn một người đàn ông ở ngoài họ thành đạt và đã xây dựng gia đình sắp cỗ kết duyên và lễ tơ hồng. Cỗ có thịt lợn, thịt gà và nhất thiết là phải có gan lợn luộc chín. Cô dâu và chú rể mặc quần áo trang phục truyền thống của dân tộc. Cô dâu phải đội chiếc khăn thêu hoa có diềm truyền thống của người Dao, chú rể mặc thêm chiếc áo và mũ có hình thêu để bái chào tổ tiên. Lúc này thầy cúng làm thánh hóa phép biến một chiếc chiếu đẹp để cô dâu, chú rể đứng vào. Điều này có ý nghĩa đó là chiếc giường hoa phú quý cầu cho đôi trai gái kết duyên trăm năm hạnh phúc. Thầy cúng làm phép xua đuổi tà ma, ngày sinh, tháng đẻ không đẹp của cô dâu và chú rể nếu có ai sinh vào giờ xấu. Sau đó làm thủ tục đeo dây tơ hồng bằng vải cho cô dâu và chú rể… và trao đôi chén rượu hồng cho đôi vợ chồng trẻ.
Tiếp đến là lễ bái đường. Làm lễ này thì chỉ có chú rể phải chắp tay và quỳ bái, còn cô dâu thì cúi đầu đứng yên. Ngày trước theo phong tục của người Dao thì chú rể phải vái tới 120 lần. Thế nhưng ngày nay để đơn giản hóa thủ tục này tùy theo từng nơi chú rể chỉ còn phải bái 12 hay 24 lần.
Bái đường xong thì đại diện hai họ nhà trai, nhà gái sẽ ngồi trước bàn thờ cúng để uống rượu, ăn gan lợn luộc. Vừa ăn uống vừa có ý kiến dạy bảo cô dâu, chú rể đứng ở dưới để vợ chồng hòa thuận, chấp hành tốt pháp luật của nhà nước. Xong lễ tơ hồng hai họ sẽ tiếp tục uống rượu chúc mừng đám cưới. Đến trưa, họ nhà gái bắt đầu xin phép ra về. Lúc này đội kèn sẽ tiếp tục thổi lên để tiễn họ nhà gái. Trong lúc thợ kèn thổi bài tiễn thì cô dâu, chú rể sẽ đi mời rượu hai họ một lần nữa. Ai uống rượu thì sẽ cho cô dâu, chú rể một ít tiền lẻ để làm lộc… Ra về đến cổng, để tiễn họ nhà gái, họ nhà trai sẽ cử một người hát một bài để chúc họ nhà gái đi về bình an, mong có được ngày tái ngộ.
Ngày nay, tuỳ theo từng nơi, điều kiện gia đình mà việc tổ chức cưới hỏi cho con cái có thể mở rộng hay gọn nhẹ. Nhưng các thủ tục cưới hỏi theo phong tục truyền thống thì vẫn được giữ lại, đó cũng là nét văn hóa độc đáo của người Dao Thanh Phán ở tỉnh Bắc Giang.
K.D (st)