Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nét đẹp văn hoá truyền thống trong ngày giỗ họ Nguyễn
Thứ sáu: 05:50 ngày 18/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có từ rất lâu đời. Đó là một phong tục đẹp, giàu bản sắc, có tính chất giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Cổng nhà thờ họ Nguyễn toạ lạc tại khu phố Long Trung, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành.

Giỗ họ là một trong những phong tục tốt đẹp của người Việt thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn với cội nguồn, các bậc tổ tiên đã sinh thành ra mình. Những năm gần đây, hoạt động này được nhiều dòng họ chú trọng khôi phục, tổ chức, hướng đến những giá trị, truyền thống tốt đẹp để mỗi người hiểu rõ về nguồn cội.

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có từ rất lâu đời. Đó là một phong tục đẹp, giàu bản sắc, có tính chất giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Trên địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành có hơn 15 phủ từ, là nơi thờ tổ tiên của một tộc họ nhưng nghi thức thờ cúng theo tôn giáo Cao Đài. Nhà thờ họ Nguyễn toạ lạc tại khu phố Long Trung, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành là nơi thờ tự “cửu huyền thất tổ họ Nguyễn”, được xây dựng năm 2019.

Ngày giỗ họ Nguyễn được tổ chức lần đầu vào năm 2019. Ngày 23.10 âm lịch vừa qua là lần thứ 4 con cháu dòng họ Nguyễn tổ chức giỗ họ. Điều đặc biệt, không chỉ những người trong họ mà người dân trong vùng vẫn có thể tham dự.

Ông Nguyễn Thành Danh- đại diện Ban tổ chức ngày giỗ cho biết: dòng họ Nguyễn tại Long Trung tổ chức ngày giỗ vào 2 dịp trong năm, là ngày 12 tháng Giêng và 23 tháng 10 âm lịch.

Ngày giỗ năm nay, nhà thờ họ Nguyễn tổ chức đãi tiệc buffet 58 món chay, người dân đóng góp thêm 4 món, tổng cộng có 62 món. Chi phí cúng giỗ được con cháu trong dòng họ và những người họ Nguyễn ở các địa phương khác đóng góp. Mọi việc cho ngày giỗ- từ mua sắm đồ lễ đến chế biến cỗ bàn đều phải chuẩn bị từ trước.

Ông Huỳnh Văn Thống- người phụ trách các món ăn trong ngày giỗ giới thiệu thêm, các món ăn do các cô làm công quả ở nhà thờ cũng như trong bếp ăn đứng nấu, gồm những món chay quen thuộc như bánh tét, bánh ít trần, xôi vò, đậu hủ chiên, bánh bao, bánh tằm, bánh chuối, bánh bò, bánh tiêu, chả giò, giò thủ, bì bún…

Bàn vật phẩm hiến lễ của con cháu dòng họ Nguyễn ở nhiều địa phương gửi về như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Long An, TP. Hồ Chí Minh…

Đến ngày giỗ họ Nguyễn, dù bận đến đâu, người dân cũng cố gắng thu xếp về dự bởi đây là dịp gặp mặt đông đủ anh em, con cháu trong họ, được chuyện trò, ôn lại quá khứ và thấy mình phải phấn đấu hơn nữa để làm vẻ vang dòng tộc.

Em Nguyễn Hoàng Phương- con cháu dòng họ Nguyễn chia sẻ: “Đến dự ngày giỗ em thấy mọi người rất đông, em vui và tự hào vì là con cháu dòng họ Nguyễn. Đây còn là dịp để thế hệ trẻ chúng em tưởng nhớ đến công ơn của ông bà, tổ tiên, đồng thời được gặp gỡ những cô chú, anh chị trong dòng họ mà trước đây em ít có dịp gặp mặt”.

Ở các địa phương khác như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Long An, TP. Hồ Chí Minh…, những người họ Nguyễn không đến dự vẫn gửi vật phẩm dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên trong ngày giỗ.

Hoàng Yến

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục