Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm (mùng 7 tết) người Mường xã Thu Cúc (Tân Sơn) lại tổ chức Tết Gioi truyền thống. Tết Gioi theo phong tục của người Mường nơi đây gọi là tết lại, cũng có nghĩa là tết xuống đồng, bắt đầu một năm làm việc mới.
Ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm (mùng 7 tết) người Mường xã Thu Cúc (Tân Sơn) lại tổ chức Tết Gioi truyền thống. Tết Gioi theo phong tục của người Mường nơi đây gọi là tết lại, cũng có nghĩa là tết xuống đồng, bắt đầu một năm làm việc mới.
Tết Gioi có tự bao giờ, người dân nơi đây cũng không còn nhớ rõ, nhưng theo những già làng kể lại thì ngày trước, người Mường Thu Cúc thường bắt đầu ăn tết từ 23 tháng Chạp, ngày này mọi người trong làng tổ chức đi tảo mộ, dọn dẹp đình làng để chuẩn bị đón xuân và bắt đầu những hoạt động vui chơi ngày tết như ném còn, chơi đu, chọi gà, vật truyền thống… Cũng có cụ già kể lại, Tết Gioi là để dành cho những người con đi chiến trận mà trong dịp tết không về sum họp cùng gia đình được. Ngày Gioi là ngày huyền bí và kiêng kỵ gắn với mùa màng mà người dân làm nông ở Mường Cúc tin vậy. Ngày xa xưa, cứ đến ngày Gioi thì bất cứ già trẻ, gái trai ở đây khi ra đường đều phải đội mũ hoặc nón, họ tin rằng đội mũ nón sẽ tránh được sao Gioi trên trời chiếu xuống và như vậy mùa màng năm đó sẽ được tươi tốt. Hiện nay những phong tục đội mũ nón khi ra đường trong ngày Tết Gioi không còn nữa, nhưng nhà nào cũng tổ chức gói bánh chưng như những ngày giáp Tết Nguyên đán. Sau Tết Gioi ai có việc ở xa thì tiếp tục lên đường, những người ở lại quê hương cũng bắt đầu công việc đồng áng.
Ngày nay Tết Gioi vẫn được chính quyền địa phương lưu giữ và tổ chức. Đình làng không còn nữa, những hoạt động văn hoá của đồng bào cũng không kéo dài như xưa, song những hoạt động văn hoá truyền thống như đâm đuống, ném còn, chơi đu, chơi cù, múa ống… vẫn còn, thêm vào những hoạt động đó là hoạt động thể thao như bóng chuyền, đánh cờ… thu hút đông đảo người dân địa phương và các xã lân cận trong vùng đến cổ vũ, tham gia. Sau Tết Gioi là lễ hội xuống đồng bằng nghi lễ linh thiêng đi rước vía lúa là nàng cơm, nàng gạo từ Mường Trời về lo cho mùa màng được no đủ ở Mường Người. Hồn lúa ở lại với người cho thóc đầy bồ, ngô đầy thúng và cuộc sống ngày càng ấm no hơn. Đồng chí Hà Văn Khanh – Chủ tịch UBND xã Thu Cúc cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày mùng 7 tết thì chính quyền địa phương và người dân xã Thu Cúc lại tổ chức lễ hội Tết Gioi và lễ hội xuống đồng để anh em, bạn bè, con cháu được gặp mặt sum vầy bên nhau và ăn tết lại. Cũng sau ngày Gioi này người nông dân mới bắt đầu với công việc đồng áng của mình. Những năm trước chúng tôi tổ chức Tết Gioi với quy mô vừa và nhỏ, nhưng năm nay để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc thành công thì chúng tôi đã tổ chức lễ hội Tết Gioi với quy mô lớn hơn”. Được biết, từ mùa xuân 2008, lãnh đạo huyện Tân Sơn đã chọn ngày mùng 7 tháng Giêng để làm ngày lễ xuống đồng của toàn huyện. Việc kết hợp những lễ hội truyền thống gắn với sản xuất nông nghiệp ở địa phương đã trở thành nét văn hoá giàu bản sắc và đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi để đồng bào dân tộc Mường xã Thu Cúc nói riêng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Tân Sơn nói chung phấn khởi bước vào một năm mới với nhiều hứa hẹn mới.
K.D (st)