Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nét độc đáo trong lễ Kỳ yên ở đình làng Trảng Bàng
Thứ bảy: 18:35 ngày 04/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quá trình hình thành và phát triển, Trảng Bàng là nơi hội tụ của nhiều tộc người, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo tại địa phương.

Vào buổi đầu, lưu dân người Việt trong quá trình Nam tiến đã đến vùng đất Tây Ninh, và Trảng Bàng là mảnh đất được khai phá sớm nằm ở phía Nam của tỉnh. Quá trình hình thành và phát triển, Trảng Bàng là nơi hội tụ của nhiều tộc người, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo tại địa phương.

Đại diện Cao Đài giáo thực hiện nghi thức cầu an tại đình An Hoà.

Hiện ở thị xã Trảng Bàng có 11 trong tổng số hơn 40 ngôi đình ở tỉnh Tây Ninh, được thành lập ở những vùng thị tứ và ven theo hai con sông chính chảy qua Trảng Bàng là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.

Tín ngưỡng dân gian kết hợp hài hoà cùng tôn giáo

Theo lịch trình “xuân cầu thu báo”, lễ Kỳ yên ở các đình làng Trảng Bàng diễn ra vào trung tuần tháng 2 và tháng 3 (nông lịch) hằng năm với các nghi thức cổ truyền.

Ở Nam bộ trước đây có các ông Đỗ Văn Rỡ, Hồ Văn Tồn, Nguyễn Chí Độ… nổi tiếng trong việc thực hiện và truyền dạy nghi lễ đình làng. Gắn liền với các đình ở Trảng Bàng có ông Đỗ Văn Rỡ, cho đến nay, khi đến các đình Gia Lộc, An Tịnh, An Hoà… người ta vẫn còn nghe các vị cao niên nhắc về ông. 

Từ năm 1947 đến khoảng năm 1952, ông Đỗ Văn Rỡ tham gia Ban khánh tiết đình Gia Lộc, phụ trách chính về nghi lễ. Ông đã biên soạn các nghi thức cúng riêng cho đình, đổi từ chúc văn chữ Nho sang dùng bài khấn nguyện bằng chữ Quốc ngữ để dễ đọc, dễ hiểu. Vào dịp cúng đình, ông viết những câu chúc tụng bằng chữ Nho như “Quốc thái dân an”, “Dân khang vật phụ”, “Phong điều vũ thuận” dán lên mõ, chiêng, trống ở đình và soạn ra bộ liễn “Thánh đức oai linh hưng tứ hải/ Thần ân phổ chiếu bố vạn phương/ Trảng Bàng chính trị an thiên hạ/ Gia Lộc (hoặc tên địa phương nơi đình đang toạ lạc) lê dân đắc thái bình” trong phần Tứ Thiên Vương dâng liễn ở nghi thức Xây chầu - Đại bội. Những nghi thức trong lễ Kỳ yên đình Gia Lộc do ông Rỡ biên soạn vẫn còn duy trì thực hiện theo cho đến hiện nay và lan toả sang nhiều đình khu vực trung tâm thị xã Trảng Bàng và khắp Nam bộ.

Nét độc đáo trong lễ Kỳ yên ở đình làng Trảng Bàng là nghi thức cầu an của 3 tôn giáo chính tại địa phương.

Tại tiền điện của đình có ba bàn thờ của 3 tôn giáo. Trước ngày vào lễ, các tôn giáo đến chưng hoa, trái cây, thỉnh tượng Phật, tượng Chúa, biểu tượng tôn giáo thiết trí ở bàn thờ. Nghi thức cầu an của các tôn giáo được diễn ra theo trình tự.

Đại diện Phật giáo thực hiện nghi thức cầu an tại đình Gia Lộc.

Đại diện Công giáo thực hiện nghi thức cầu an tại đình An Tịnh.

Bộ liễn Tứ Thiên vương trong nghi thức Đại bội ở đình Gia Lộc.

Bàn thờ phụng cúng thành hoàng ở đình Gia Lộc.

Tế I là Phật giáo, do chư tăng và phật tử thực hiện với các nghi thức Khai kinh; tán bài Dương chi; tụng Chú Đại Bi; xướng sớ; thầy cả tuyên sớ, cầu nguyện; đại chúng tụng kinh Phổ môn hoặc kinh Dược sư; phục nguyện; hồi hướng. Hoà chung lời tán tụng của các vị tăng còn có nhạc lễ góp phần cho lễ cúng thêm trang trọng.

Tế II là Công giáo (Thiên Chúa giáo), do cha sở nhà thờ Tha La (phường An Hoà) hoặc nhà thờ Bình Nguyên (phường Gia Bình), cùng các sơ, ca đoàn và tín đồ đọc kinh thánh trong tiếng đàn organ, lời kinh thánh du dương.

Tế III là Cao Đài giáo, do các vị chức sắc, chức việc, đồng nhi và tín đồ ở thánh thất họ đạo địa phương thực hiện. Đại diện Ban khánh tiết đình dâng hương lên ban thờ đức Chí Tôn. Vị cai quản thánh thất tại địa phương vào dâng hương, dâng lời cầu nguyện, lần lượt các tín đồ vào quỳ lạy trước ban thờ của đạo. Ban lễ nhạc đạo Cao Đài hoà đờn, tấu nhạc với các nhạc cụ dân tộc, ban đồng nhi đọc kinh theo tiếng vỗ của nhịp sanh, trước cầu an cho bá tánh, sau cầu siêu và tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để gìn giữ nền độc lập, hoà bình cho đất nước.

Khởi xướng từ đình Gia Lộc, nghi thức với ý nghĩa nhân văn cùng sự kết hợp hài hoà giữa tín ngưỡng dân gian và tôn giáo đã lan toả sang các đình khác ở Trảng Bàng như An Tịnh, An Hoà, Gia Bình, Phước Hiệp… rồi đến các đình ở vùng lân cận.

Nơi gắn kết mọi người

Nét đặc trưng trong kiến trúc đình làng ở Trảng Bàng là ở tiền điện có nhiều ghế nghi để mọi người chưng trái cây hình tứ linh hoặc chỉ rồng phượng làm lễ vật phụng cúng thành hoàng trong lễ Kỳ yên.

Ngoài ra, đình Gia Lộc còn là nơi phát tích nên tục tặng xôi cho khách thập phương khi đến cúng đình và lan toả sang nhiều đình ở Nam bộ. Ban khánh tiết đình chia sẻ: “Trước đây đình thường gửi tờ giấy cảm ơn khách đến cúng, nay thay vào đó là tặng gói xôi, xem như là lộc của thần để cả gia đình cùng dùng cho mạnh giỏi”. Hằng năm, bếp đình Gia Lộc đỏ lửa nấu hơn một tấn xôi xuyên suốt trong quá trình diễn ra lễ Kỳ yên. Ngoài ra, những lễ vật như xôi, bánh quy, bánh ít, bánh ú… khách mang đến cúng, lễ xong, họ thường kiếng (cho lại) một nửa, đình cũng dùng phần này chia đều ra để tặng cho bà con đi cúng đình.

Ngôi đình là chỗ dựa tinh thần quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của người dân dù cho cuộc sống đã thay đổi theo hướng hiện đại. Việc giao kết giữa các tôn giáo trong tín ngưỡng ở đình làng Trảng Bàng là nét đẹp trong “liên tôn giáo”, thể hiện sự giao hoà giữa các cộng đồng trong ý thức hướng về nguồn cội.

Lễ Kỳ yên không những là dịp tri ân các vị tiền nhân, cầu quốc thái dân an, mà còn là cơ hội để gắn kết mọi người lại với nhau, thêm thắm thiết tình làng nghĩa xóm. Hơn nữa, việc giao lưu tế lễ giữa các đình càng tạo nên sự đoàn kết, tương thân tương ái giữa các địa phương.

Phí Thành Phát

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục