BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nét tương đồng văn hoá trong lễ hội Sen Đôn Ta

Cập nhật ngày: 27/09/2011 - 12:08

Tuần cuối tháng 9.2011, đang mùa nước lên. Rạch Tây Ninh nước đã ngập tới bờ kè. Trên TTV11 thấy hình ảnh một số đường ở phường II, Thị xã và khu ấp xóm thuộc xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu ngập nước. Dịp này cũng đang là mùa lễ hội Sen Đôn Ta tại các ấp có người Khmer sinh sống. Gần nhất, nếu tính từ thị xã Tây Ninh là ấp Trường An, xã Trường Tây (Hoà Thành) và ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh).

Cúng Sen Đôn Ta ở chùa Chung Rúc (Tân Biên)

Sen Đôn Ta - lễ cúng ông bà cũng coi như tết giữa năm của người Khmer Nam bộ. Lễ cúng ông bà, tổ tiên là chính; nhưng cũng có thể coi đây là một lễ giỗ chung, tưởng nhớ người thân đã mất. Đây cũng là nét tương đồng chăng? Chỉ khác, người Kinh làm đám giỗ vào ngày người thân qua đời, còn người Khmer trong dịp lễ Sen Đôn Ta, mời tất cả ông bà và người thân đã quá cố về hưởng cỗ cúng.

Nét tương đồng thứ hai có thể chính ở nguyên do có lễ hội Sen Đôn Ta, có liên quan đến mùa nước lũ. Chuyện cổ Khmer cũng có chuyện con người đấu tranh với các thế lực tự nhiên. Đại diện cho thế giới âm hồn, của nước và bóng tối chính là rắn thần Naga. Sau một mùa mưa, đến cuối tháng 8 âm lịch là lúc lượng mưa cao đỉnh điểm. Đây cũng là lúc mùa khô sắp tới, buộc rắn thần và mưa phải lui về thế giới thuỷ cung. Trong cơn quẫy đạp sau cùng, rắn thần Naga thường gây ra lụt lội. Câu chuyện này cũng hơi giống với truyện thần thoại Sơn Tinh- Thuỷ Tinh của người Việt cổ- cũng là chuyện giải thích cho những mùa lũ các sông Hồng, sông Đà… phía Bắc nước ta chăng? Theo quan niệm Khmer cổ sơ, đêm cuối tháng tám âm lịch là đêm tối nhất. Hơn nữa, rắn thần còn đang bận việc dâng nước lũ nên lơi lỏng việc canh phòng. Vì thế đây còn là dịp duy nhất để các linh hồn có thể “trốn” được về cùng con cháu. Sen Đôn Ta sinh ra từ đây, trong tháng Pho-tơ-ro-bốt nông lịch Campuchia, tương đương với nửa cuối tháng tám âm lịch Việt Nam. Mà thời khắc quan trọng nhất chính là vào ngày 30 cuối tháng.

Một chi tiết thuộc về lễ nghi mà ta có thể liên tưởng đến, chính là bàn thờ người Kinh và cây hoa bánh Khmer thường thấy ở sân chùa. Bàn thờ người Kinh là nơi các cụ ta về “hưởng lộc” với những phẩm vật dâng cúng giữa những nhang, đèn nghi ngút khói thơm và lập loè ánh lửa. Còn với người Khmer, thì vật tương tự là cây hoa bánh. Chính ở đây, sẽ là nơi các âm hồn tụ về để xem lễ hội do các con cháu của mình tổ chức. Cây hoa bánh ở chùa Khe Đon, xã Thạnh Tân thường được làm bởi một trụ đứng bằng tre với nhiều vòng dây thép treo lên thành hình chóp nón. Trên các vòng dây, được cài cắm hoa và cờ giấy đủ màu, có chỗ còn buộc thêm những tờ tiền lẻ. Ở chùa Kà Ốt, xã Tân Đông (Tân Châu) thì cây hoa bánh lại làm từ một cây dừa mọc ở sân chùa, chung quanh làm thêm giàn tre để trưng bày mía và trái cây các loại, cũng điểm tô thêm bằng cờ giấy, bông hoa. Rõ ràng, cái ban thờ này mang tính chất cộng đồng hơn. Khoảng sân chung quanh cây hoa bánh cũng là nơi nam nữ thanh niên Khmer đến múa lăm- vông trong suốt mấy đêm của mùa lễ hội.

Nam nữ thanh niên Khmer tại Bàu Ếch (Trường Tây, Hoà Thành) múa lăm- vông

Một nghi lễ quan trọng khác trong lễ hội Sen Đôn Ta là tiễn đưa các âm hồn trở lại âm cung, thường diễn ra ngày mùng 1.9 âm lịch, sau ngày lễ chính. Mỗi nhà làm một bè nhỏ bằng cọng tàu lá chuối. Trên bè cắm đèn cầy, bông hoa, nhang mỗi thứ 5 cây. Tại chùa, các vị sư sãi cùng già làng cũng kết một bè chuối lớn hơn, ngoài đèn nhang còn có thêm gạo, thóc và kẹo bánh. Đúng vào buổi trưa, già làng, sư sãi và mỗi gia đình đem bè ra thả ở ao bàu hay sông suối gần nhà. Đây chính là thủ tục tiễn đưa ông bà và người thân sau khi kết thúc mùa lễ hội. Thủ tục này từng có ở một số ngôi đình Việt Nam trong lễ kỳ yên. Ở Tây Ninh chỉ có đình Cẩm An, xã Cẩm Giang (Gò Dầu) là còn thực hiện. Cúng thần xong, ban hội đình đã có sẵn chiếc thuyền nhỏ kiểu mô hình, đặt vật phẩm cúng vào đem thả xuống rạch Bàu Nâu. Lễ này được gọi là “tống tiễn quan ôn”. Việc làm giống nhau, nhưng ý nghĩa thì khác. Với người Kinh thì đây là dịp đưa các “quan ôn”, đại diện cho thiên tai, tật bệnh ra đi, không còn gây hại cho người. Tuy vậy, đối với người dân tín ngưỡng, đấy vẫn là một nét tương đồng gần gũi đáng tôn trọng của hai dân tộc. Do tính cộng đồng cao, nên Sen Đôn Ta cũng như các lễ hội Khmer khác thường vui vẻ hơn nhờ phong phú hơn về chi tiết lễ nghi, đa sắc, đa thanh. Có lẽ chính vì thế chăng mà lễ hội Khmer ngày càng có rất nhiều người các dân tộc khác đến vui chung hoặc dự vào nghi lễ? 

TRẦN VŨ