Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - “Trên tinh thần cầu thị, bản thân tôi nếu có sai cái gì thì sẽ sửa chữa chứ không bảo thủ. Có gì sai sót, mong bà con bỏ qua. Có gì chưa rõ ràng, hai bên cùng bàn bạc để ổn định làm ăn lâu dài”.

Sau khi Báo Tây Ninh số ra ngày 18.3.2015 phản ánh tình hình kinh doanh ở Khu di tích lịch sử văn hoá- danh thắng và du lịch núi Bà Đen (gọi tắt là Khu du lịch núi Bà Đen), sáng ngày 18.3.2015, tại hội trường Công ty cổ phần Cáp treo núi Bà Tây Ninh, Công ty CP Du lịch & Thương mại Tây Ninh đã tổ chức buổi họp mặt đối thoại giữa lãnh đạo Công ty với một số hộ kinh doanh ở Khu du lịch núi Bà Đen. Ông Lê Hữu Phước- Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch & Thương mại Tây Ninh chủ trì buổi đối thoại.
|
Tiểu thương phát biểu ý kiến về việc Công ty Du lịch Tây Ninh độc quyền phân phối hàng.
Theo kế hoạch, chỉ có 20 hộ kinh doanh ở Khu du lịch núi Bà Đen được mời đến đối thoại, nhưng vì đây là vấn đề khá bức xúc nên có khoảng 30 người đến tham gia. Sau lời phát biểu khai mạc của ông Lê Hữu Phước, chỉ duy nhất có một ý kiến của một người bán thức ăn, nước uống là khen ngợi công tác tổ chức, cách tính giá thuế và phân phối sản phẩm của Công ty Du lịch Tây Ninh. Hơn mười ý kiến còn lại đều phản ứng khá gay gắt đối với cách tổ chức kinh doanh ở Khu du lịch núi Bà Đen trong mùa Hội xuân năm nay.
Bà Lê Thị Hai- 82 tuổi, một hộ kinh doanh có thâm niên tại đây phát biểu: “Gia đình tôi đã đầu tư buôn bán ở khu vực cổng sau Khu du lịch từ hơn 30 năm nay. Công ty cho rằng tôi cơi nới, lấn chiếm mặt bằng và chỉ đạo nhân viên “Cứ dư một mét đánh thuế 1 triệu đồng”. Tổng cộng tôi phải nộp thuế 200 triệu đồng.
Nghe nói mà tôi tăng huyết áp, đi ra không nổi”. Bà Hai cho rằng, bà không cơi nới, lấn chiếm mặt bằng, vì ở khu vực bà buôn bán đã có nhiều quầy hàng khác cất san sát bên nhau, không còn chỗ đâu mà cơi nới. Bà thừa nhận là có đổ đất nâng cao nền, mở rộng ra phía sau quầy hàng, nhưng việc làm này đã thực hiện nhiều năm trước, đều có xin phép và được sự đồng ý của Ban quản lý Khu du lịch. Bà Hai cho biết, cuối cùng bà phải nộp thuế mặt bằng lên đến 58 triệu đồng- tăng 27 triệu đồng so với năm 2014, mặc dù diện tích mặt bằng của bà trong hai năm nay không hề thay đổi.
Ông Của- một tiểu thương chuyên kinh doanh quán ăn, nước uống ở khu vực bãi xe ô tô ở cổng chính cũng thẳng thắn góp ý: năm nay tình trạng hàng rong vào khu du lịch rất nhiều, gây ảnh hưởng đến những hộ kinh doanh thức ăn lâu năm như gia đình ông. Ở khu vực đối diện chùa Trung, tình trạng buôn bán bát nháo như “mạng nhện”.
Vào những ngày cận tết, rất nhiều người mới vào đây buôn bán. Họ đều là “dân chính sách”, nên không sợ ai. Mỗi người đăng ký một mặt hàng, nhưng bán thêm năm, sáu mặt hàng khác. Như đăng ký bán nước, họ bán thêm đệm, chiếu, bánh ống, bánh kẹo... Họ còn ngang nhiên “bung” rộng mặt bằng ra hai bên, hoặc chỗ này buôn bán không được, họ tự ý di dời đi nơi khác. “Đến mùng Hai trở đi, ở khu vực này chật kín đến không còn lối đi”- ông Của khẳng định.
Ông Của cho biết thêm, năm nay Công ty Du lịch Tây Ninh cũng cho quá nhiều người vào bán bánh canh chay. Những người này chỉ đóng thuế 10- 20 triệu đồng, không đầu tư cơ sở vật chất gì cả, nên họ sẵn sàng bán với giá 5- 10 ngàn đồng/tô. Trong khi đó những hộ kinh doanh như ông phải đóng thuế cả trăm triệu đồng, nên phải bán với giá 15- 20 ngàn đồng/tô. Giá cả thức ăn chênh lệch như vậy nên bánh canh chay “tiêu diệt” hầu hết các cửa hàng ăn uống trên núi Bà.
Ông Của cũng phàn nàn rằng năm nay có quá nhiều xe ôm hoạt động. Cứ mỗi khi có xe đò vào bãi là 30- 40 xe ôm “bu” đến, dụ khách chở đi ra cổng sau, khiến không còn ai vào các cửa hàng ở bãi xe ô tô ăn uống. Ông bất bình nhất là việc Công ty CP Du lịch & Thương mại Tây Ninh tổ chức cắm cờ phướn trên nóc các quầy hàng, cửa hàng kinh doanh mà không thông báo hay thoả thuận giá cả với những người kinh doanh ở đây. Sau khi đã lắp đặt xong, Công ty mới áp đặt giá quá cao, khiến bà con không hài lòng.
Từ thực tế trên, ông Của mạnh dạn đề xuất: trước mùa Hội xuân năm tới, đề nghị Công ty sắp xếp lại sơ đồ kinh doanh ăn uống theo từng khu. Trong đó, ghi rõ nơi nào bố trí cửa hàng kinh doanh quanh năm, nơi nào có kinh doanh phát sinh, để người kinh doanh lựa chọn được vị trí, tính toán được doanh thu. Đồng thời triệt tiêu vấn đề xe ôm và bán hàng rong trong khu du lịch. Việc buôn bán bánh canh chay cũng cần xem xét lại, có nên cho loại hình kinh doanh này tồn tại hay không.
Có ý kiến khác cho rằng, trước tết, nhiều hộ kinh doanh ở đây không biết Công ty CP Du lịch & Thương mại Tây Ninh sẽ độc quyền phân phối các sản phẩm nhang, nón, dép… nên mua về dự trữ với số lượng nhiều. Sau đó, Công ty đến đánh thuế là không hợp lý. Công ty độc quyền phân phối các mặt hàng trái cây như xoài, mận, sơ ri, me... nhưng hầu hết các mặt hàng này bị giập, xấu, giá đắt hơn giá thị trường và giao hàng không kịp vào những ngày cao điểm. “Ông Nam, Phó Giám đốc kinh doanh ép mỗi người bán kem phải mua ít nhất mười lốc sữa chua. Mà loại sữa chua này để chung vào tủ kem, khiến kem bị chua theo”- một nhà cung cấp hàng hoá cho biết thêm.
Ông Lê Hữu Phước thay mặt Công ty xin tiếp thu tất cả các ý kiến. Ông phân trần về vấn đề thuế, ông chỉ đạo nhân viên tính thuế như năm 2014, nhưng do anh em hiểu nhầm, tính thuế theo mét vuông. Ông cũng nhận thiếu sót, không tiếp xúc với khách hàng trước khi áp đặt giá cả. “Tiền thuê mặt bằng, chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm tra, xem xét để Hội xuân năm sau tính toán lại”- ông Phước nói.
Việc trong thời gian diễn ra Hội xuân, một phần nhỏ hộ kinh doanh buôn bán được, hầu hết các hộ còn lại đều gặp khó khăn, ông Phước giãi bày: “Rất tiếc là đến lúc này tôi mới biết được”. Về vấn đề các hộ kinh doanh mua bán di động, ông Phước cho biết: “Nhân viên của Công ty đi kiểm tra có thấy, nhưng không dám nói, vì vấn đề tế nhị”.
Một số hàng hoá do Công ty phân phối giá có cao hơn thị trường là do mới nhận nhiệm vụ trong thời cận tết, không kịp lên kế hoạch nên các nhà cung cấp hàng hoá có “nhích lên một tý”. Ngoài ra, kho hàng hơi nhỏ nên phải vận chuyển hàng hoá nhiều lần, làm “đội” giá thành, khiến giá các mặt hàng hơi cao. Về vấn đề thái độ phục vụ của các nhân viên chưa tốt, ông Phước hứa sẽ xem xét, cần thiết sẽ kiểm điểm nhân viên.
Ông Phước nói: “Trên tinh thần cầu thị, bản thân tôi nếu có sai cái gì thì sẽ sửa chữa chứ không bảo thủ. Có gì sai sót, mong bà con bỏ qua. Có gì chưa rõ ràng, hai bên cùng bàn bạc để ổn định làm ăn lâu dài”. Cuối cùng ông Phước cho biết, Công ty CP Du lịch & Thương mại Tây Ninh sẽ tập hợp những ý kiến này trình lên UBND tỉnh và xin ý kiến tổ chức họp báo để công khai những vụ việc này.
Đại Dương - Thái Hoà