BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nếu không còn tiếng chổi đêm…

Cập nhật ngày: 21/03/2010 - 05:34

Hơn 22 giờ, không ngủ được, tôi mặc vội chiếc áo khoác, lượn ra công viên Thị xã cho khuây khoả. Hình ảnh đầu tiên khiến tôi phải chú ý đó là những chị công nhân đang thu dọn những túi rác trên mặt đường CMT8 và đường 30.4. Tôi đến gần, làm quen một chị. Tiếp chuyện tôi nhưng đôi tay người nữ công nhân vệ sinh vẫn đều đều khua từng nhát chổi, gom rác thành đống, hốt vào xe đẩy rồi khom lưng đẩy về nơi tập kết.

Dưới ánh đèn đêm hắt hiu, bóng của chị hoà lẫn với bóng của chiếc xe đẩy nhạt nhoà. Thi thoảng những ánh đèn pha xe Honda chiếu vào làm những đường viền phản quang trên chiếc áo màu nâu đỏ của chị loé sáng. Bất ngờ, chị buông cây chổi trong tay, nhảy lên vỉa hè khi chiếc xe máy lạng sát vào người chị. Như không nghe những tiếng cười khả ố của mấy gã thanh niên, chị trở lại với công việc quen thuộc của mình. Với chị và các đồng nghiệp khác, đó là những chuyện thường gặp khi làm việc trên đường phố.

Bộc bạch nỗi lòng, chị công nhân cho biết “Ngày đầu đi làm, nhiều khi cũng thấy cô đơn, thêm đôi phần mặc cảm nhưng làm lâu rồi quen. Mặc dù thu nhập không cao nhưng có việc làm thường xuyên là tôi hạnh phúc lắm rồi”. Đã gần chục năm trôi qua, hầu như đêm nào chị công nhân ấy cũng về khuya. Nhiều hôm, cả chồng và con chị đều ngong ngóng trông chờ. Vào các dịp lễ, hội, các ngày kỷ niệm, người mua hoa chật kín đường cũng đồng nghĩa chị phải thu gom, quét dọn rác nhiều hơn, vất vả hơn. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bình quân mỗi ngày Thị xã thải ra đến mấy chục tấn rác thì công việc của các công nhân vệ sinh như chị lại càng vất vả. Những đêm như thế, chị và đồng nghiệp thường kết thúc công việc khá muộn. Về đến nhà, hễ nghe tiếng bước chân của mẹ là các con chị đã có mặt ngay trước cửa để đón. Thương mẹ, đứa nào cũng vội lo nước nôi, quần áo cho mẹ tắm rửa rồi mới yên tâm đi ngủ. Trước kia, mỗi khi chị đi làm, có thêm người cháu ở quê đi cùng, vừa để giúp chị quét cho nhanh, vừa nhặt những phế liệu từ các gia đình vứt đi, đem về phân loại bán, kiếm thêm chút tiền. Nhưng khi lớn lên, đứa cháu đâm mặc cảm nên nghỉ, tất cả công việc đều do chị đảm đương.

Chồng chị, công nhân một công ty xây dựng, đồng lương khiêm tốn, trong khi cái gì cũng tăng giá, phải vất vả lắm mới đủ trang trải cho 2 đứa con học hành. Vì thế ngoài thời gian quét dọn ban đêm, vào ban ngày, cả anh, cả chị phải làm thêm đủ nghề, từ quét dọn nhà cửa, giặt thuê, gánh nước thuê, bốc hàng thuê... Chị tâm sự, dù khó khăn đến đâu vẫn phải lo cho con cái được ăn học tử tế, đời bố mẹ thiệt thòi, không thể để các con thua chị, kém em. Niềm tin vào những đứa con, vào ngày mai đã làm chị quên đi phần nào những vất vả của chính mình, để trong mắt ánh lên niềm vui, hy vọng.

Không biết trên những tuyến đường của Thị xã mỗi đêm có biết bao con người thầm lặng khua chổi đều đều như chị? Công việc nhọc nhằn của các chị đem lại vẻ sạch, đẹp, văn minh cho mỗi con đường, mỗi góc phố. Rất tiếc, trong khi đó lại có những người vô tâm, cứ thản nhiên xả rác, vứt rác ra đường một cách bừa bãi. Hình như với họ, chỉ cần mỗi tháng bỏ ra chút ít tiền là xong, không cần quan tâm sự nhọc nhằn của người khác. Tệ hơn nữa, có người còn tỏ vẻ coi thường cái nghề làm đẹp đường phố. Một chút tự ti với nghề, chị công nhân tôi vừa quen tâm sự: nghề nghiệp vất vả, thu nhập còn thấp nhưng chẳng ai nề hà. Chỉ buồn khi bắt gặp ánh mắt coi thường của người đời.

Nghề thu gom rác ngoài chuyện thức khuya dậy sớm, còn là một trong những nghề thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Tôi đã chứng kiến những công nhân Công ty Môi trường và Công trình đô thị chuyển rác lên xe tải đưa về bãi rác. Mồ hôi ướt đẫm trên những gương mặt đen sạm. Một công nhân cho biết: chỉ làm mấy phút là mồ hôi túa ra, khẩu trang ướt, đeo rất khó chịu. Bỏ khẩu trang, mùi hôi thối xộc vào mũi nhưng đành cố chịu.              

Cứ thử tưởng tượng, khi thiếu vắng tiếng chổi hằng đêm, ngày mai phố xá sẽ ra sao? 

Hồ Viết Châu