Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nếu tiết kiệm điện, mỗi năm ngành công nghiệp có thể giảm chi phí 1.600 tỷ đồng 

Cập nhật ngày: 21/08/2019 - 20:26

Mỗi năm ngành công nghiệp có thể giảm chi phí 1.600 tỷ đồng nhờ tiết kiệm điện, do đó, tiết kiệm điện là giải pháp rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện hiện hữu.

Nhu cầu tăng nhanh, nguồn cung không đủ

Ông Đỗ Đức Ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP đầu tư phát triển VICENZA (Thanh Hóa) cho biết, mỗi năm công ty tiêu tốn khoảng 150 tỷ đồng chi trả tiền điện. Do đó, việc tiết kiệm điện trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp (DN), không cần phải vận động, khuyến khích.

"Chúng tôi ký cam kết tiết kiệm điện là không chỉ cho quốc gia, mà cho chính bản thân DN. Sau khi áp dụng các giải pháp, mỗi năm DN tiết kiệm được hàng tỷ đồng", ông Đỗ Đức Ty bày tỏ.

Tiết kiệm điện mang lại lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp. Ảnh TTXVN

Thực tế, tiền điện luôn chiếm một phần không nhỏ trong tổng chi phí sản xuất của các DN ngành công nghiệp. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng quan tâm đến vấn đề tiết kiệm điện như VICENZA. Hiện ngành công nghiệp chiếm tới 47,3% tổng sản lượng điện cả nước và nhu cầu điện của khối này vẫn đang không ngừng tăng.

"Nhu cầu sử dụng năng lượng giai đoạn 2011 - 2018 tăng trưởng nóng 10,6%, dù chậm hơn giai đoạn 2001 - 2010, nhưng vẫn là tốc độ nhanh", ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho hay.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với tốc độ tăng trưởng phụ tải khoảng 10%/năm như hiện nay, mỗi năm cần sản suất bổ sung khoảng 20 - 25 tỷ kWh, tương đương khoảng 3.000 - 4.000 MW công suất từ các dự án nguồn điện đưa vào vận hành thương mại. Trong khi đó, hiện nay nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, gây khó khăn cho tình hình cung cấp điện.

Do đó, giải pháp thiết thực lúc này là các DN phải chủ động tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả, vừa tiết kiệm cho mình, vừa cho đất nước.

"Khối sản xuất công nghiệp sử dụng gần một nửa tổng sản lượng điện cả nước, tức là khoảng 100 tỷ kWh/năm. Nếu DN điều chỉnh phụ tải vào giờ cao điểm, giảm được 1%, tương đương 1 tỷ kWh điện một năm, thì đã tiết kiệm được 1.600 tỷ đồng", ông Võ Quang Lâm cho hay.

Có cơ chế vừa khuyến khích, vừa bắt buộc

Ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết, nếu chúng ta áp dụng đúng tinh thần của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, cũng như các Nghị định liên quan, thì hiệu quả đạt được sẽ rất cao. Chẳng hạn, nhiệt độ trong phòng và ngoài trời không nên chênh lệch quá 10 độ C để tránh sốc nhiệt. Trong khi nhiều cơ quan công sở để nhiệt độ mặc định là 18 - 20 độ C.

"Bản thân các nhà khoa học cũng có ít công trình nghiên cứu, ứng dụng về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. Cũng ít có công trình nghiên cứu cấp nhà nước trong lĩnh vực này. Các bộ cần phối hợp với nhau, đưa ra các quy định mang tính bắt buộc DN phải thực hiện, trước mắt là trong việc chiếu sáng", ông Nguyễn Quân đề nghị.

Ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng, tiêu hao năng lượng của các DN trọng điểm đang chiếm trên 40%, nếu tập trung tuyên truyền cho các DN này về sử dụng năng lượng, sẽ tiết kiệm điện năng đáng kể. Trên cơ sở đó, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững sẽ phối hợp với các bộ, ngành ban hành các hướng dẫn chi tiết, tập huấn xây dựng kế hoạch hành động cho các địa phương bắt đầu từ đầu năm 2020 và kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.

Một giải pháp cấp thiết khác trong bối cảnh thiếu điện là phát triển điện mặt trời áp mái. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, đơn vị đang tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau), mang lại những lợi ích trực tiếp về kinh tế và môi trường. Theo đó, người dân từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà sẽ được tổng công ty gắn miễn phí công tơ đo đếm hai chiều và ký hợp đồng mua bán điện.

Tính đến tháng 7/2019, EVNSPC đã có hơn 4.800 khách hàng lắp đặt công tơ 2 chiều bán điện qua hình thức dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà. Ngoài ra, EVNSPC cũng triển khai lắp đặt tại tất cả mái nhà văn phòng các công ty điện lực, trạm biến áp phân phối do EVNSPC quản lý. Đây là giải pháp hiệu quả giúp các hộ gia đình, doanh nghiệp tiết kiệm điện, cũng như tránh gây quá tải cho lưới điện quốc gia.

Về phía Tập đoàn Điện lực đã ban hành quy trình kiểm toán năng lượng cho các loại hình nhà máy điện để thống nhất tiến hành đo đạc, lập hồ sơ, đánh giá và triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy điện.

Theo ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, bản chất cuối cùng của tiết kiệm năng lượng là đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất. Trong đó, đổi mới, nâng cấp, cải tiến sắp xếp lại dây chuyền sản xuất là ba yếu tố quan trọng. Nếu thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

"Để các DN nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các khu, cụm công nghiệp, cần đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ DN đầu tư giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm theo hướng thay đổi dây chuyền, công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng; xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng. Đặc biệt, các DN cần tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững", ông Đỗ Đức Hào đề xuất.

Nguồn Báo Tin tức


Liên kết hữu ích