Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngã ba Long Phước- con đường lịch sử
Thứ hai: 10:40 ngày 27/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Huyện Bến Cầu có rất nhiều ngã ba. Mỗi ngã ba thể hiện ý nghĩa, đặc điểm riêng của địa phương đó, như: xã An Thạnh có ngã ba Dinh Ông, xã Lợi Thuận có ngã ba Bàu Gõ, hay ở Long Giang có ngã ba Cao Su... Trong đó, có một ngã ba đã đi vào lịch sử của quê hương, của dân tộc, đó là ngã ba Long Phước, thuộc khu vực Rừng Nhum. Nơi đây lưu dấu những chiến tích về cuộc chiến đấu thần kỳ của quân dân Bến Cầu, trong đó có lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà bia tưởng niệm TNXP ở Long Phước.

Huyện Bến Cầu có rất nhiều ngã ba. Mỗi ngã ba thể hiện ý nghĩa, đặc điểm riêng của địa phương đó, như: xã An Thạnh có ngã ba Dinh Ông, xã Lợi Thuận có ngã ba Bàu Gõ, hay ở Long Giang có ngã ba Cao Su...

Trong đó, có một ngã ba đã đi vào lịch sử của quê hương, của dân tộc, đó là ngã ba Long Phước, thuộc khu vực Rừng Nhum. Nơi đây lưu dấu những chiến tích về cuộc chiến đấu thần kỳ của quân dân Bến Cầu, trong đó có lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ngã ba Long Phước thuộc địa bàn ấp Phước Trung, là cửa ngõ quan trọng để đi qua các xã biên giới của huyện Châu Thành, đặc biệt là sang đất bạn Campuchia. Do vị trí quan trọng và tính chiến lược, trong các cuộc chiến tranh, quân địch thường chọn ngã ba này để triển khai các trận càn, hòng bịt kín đường biên giới. Nhưng quân và dân Bến Cầu vẫn bám trụ kiên cường, chiến đấu dũng cảm, lập nên nhiều chiến công vẻ vang.

Tiếp đến, trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống bọn Pol Pot xâm lược, ngày 14.6.1978, Liên đội 5 TNXP thành phố Hồ Chí Minh được lệnh lên đường ra mặt trận biên giới Tây Nam với 500 đội viên, trong đó có 65 nữ.

Các chiến sĩ TNXP này đã dừng chân ở Rừng Nhum, thuộc xã Long Phước, huyện Bến Cầu. Các đội viên TNXP của Trung đội 3, Ðại đội 3, Liên đội 5 do Ðại đội trưởng Ngô Ðức Minh dẫn đầu phối hợp với Tiểu đoàn Công binh 25 hành quân làm nhiệm vụ sửa đường, chống lầy cho các loại xe của ta vào trận địa trên đoạn đường dài khoảng 10km từ Rừng Nhum (ngã ba Long Phước) qua ngã ba Ta Ei đến xã Koky Som, thuộc huyện Svay Theab, tỉnh Svay Rieng (Campuchia).

Rạng sáng 22.7.1978, bất ngờ bọn lính Pol Pot ập đến tấn công gây thương vong cho cán bộ, đội viên TNXP, khiến 24 TNXP hy sinh, trong đó có 8 nữ.

Năm 2010, lãnh đạo huyện Bến Cầu và tỉnh Tây Ninh đã dành một phần đất hơn 5.600m2 tại ngã ba Long Phước, cách biên giới 900m, đường lên Koky Som (đất bạn)- nơi trung đội 3 dừng chân, để xây dựng bia tưởng niệm 24 liệt sĩ TNXP và nhiều liệt sĩ TNXP hy sinh trên chiến trường biên giới Tây Ninh. Hiện bia tưởng niệm đã khắc ghi tên 99 liệt sĩ TNXP.

Hằng năm vào tháng 3 và tháng 7, cán bộ, đội viên TNXP thành phố Hồ Chí Minh lại về đây để tưởng niệm, tri ân đồng đội đã ngã xuống. Những ngày lễ tết, các ban, ngành xã Long Phước, các cơ quan huyện Bến Cầu thường tổ chức đến viếng bia tưởng niệm.

Bia tưởng niệm trở thành điểm dừng chân của người dân địa phương và thành phố Hồ Chí Minh khi có dịp về vùng quê biên giới Rừng Nhum, Long Phước.

Khu bia tưởng niệm luôn sạch sẽ, khang trang, cây kiểng luôn tươi tốt đã làm ấm lòng thân nhân, gia đình liệt sĩ và khách khi đến thăm viếng. Giờ đây, những cánh đồng Rừng Nhum, Long Phước không còn hằn sâu vết tích chiến tranh.

Thay vào đó là màu xanh của lúa, mía và các loại hoa màu. Con đường từ ngã ba Long Phước đi Koky Som hay các con đường bùn sình năm xưa đã được nâng cấp bằng sỏi đỏ và láng nhựa. Nhiều nhà tường của hộ dân mọc lên khắp xóm, ánh điện lung linh khắp nơi. Nhà văn hoá ấp được xây dựng để người dân đến sinh hoạt cộng đồng.

Trạm bơm Long Phước A và những tuyến kênh dẫn dòng nước phục vụ bơm tưới hơn 1.200 ha ruộng lúa ở khu vực rừng Nhum và phòng hộ hơn 770 ha rừng. Dù người dân Long Phước chưa giàu lắm, nhưng màu xanh đã che phủ hàng chục ha vùng ruộng cằn cỗi trước kia.

Ấp Phước Trung đã giữ vững danh hiệu ấp văn hoá nhiều năm liền và xã Long Phước cũng được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới từ năm 2016. Ngã ba Long Phước đã trở thành con đường lịch sử trên quê hương Bến Cầu.

THUỲ DUNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục