Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, chính quyền Moscow không có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của quân đội nước này tại Bắc Cực. Tuyên bố này "mâu thuẫn" với những hoạch định chiến lược của Nga ở vùng đất băng giá này, đã được đăng tải trên website của Hội đồng An ninh Nga.

![]() |
Tàu khảo sát của Nga ở Bắc Cực hồi tháng 8.2008. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại phiên họp Hội đồng Bắc Cực diễn ra hôm 29.4 tại Tromso, Na-uy, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, chính quyền Moscow không có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của quân đội nước này tại Bắc Cực. Tuyên bố này "mâu thuẫn" với những hoạch định chiến lược của Nga ở vùng đất băng giá này, đã được đăng tải trên website của Hội đồng An ninh Nga.
Hãng tin RIA Novosti cho biết, tại hội nghị, đại biểu các nước đã đặt câu hỏi về tập tài liệu "Những nguyên tác cơ bản trong chính sách Nhà nước Nga ở Bắc Cực từ đây đến năm 2020 và xa hơn" được Hội đồng An ninh Nga công bố hồi tháng 3 vừa qua. Tập tài liệu khái quát chiến lược của Nga ở vùng cực băng giá này, trong đó có kế hoạch triển khai các đơn vị quân đội, tuần duyên bờ biển và biên phòng để bảo đảm an ninh quân sự trong tình huống biến động về quân sự lẫn chính trị. Kế hoạch này sẽ hoàn thành vào năm 2020 với mục đích bảo vệ những quyền lợi chính trị và kinh tế của Nga ở Bắc Cực.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lại bác bỏ toàn bộ những thông tin này. Ông nhấn mạnh, Hội nghị Tromso được tổ chức nhằm thảo luận về sự ảnh hưởng của việc thay đổi khí hậu trên toàn cầu chứ không nhằm thảo luận việc cấm triển khai quân đội ở Bắc Cực.
Thực tế do nhiệt độ trái đất ngày càng nóng dần lên, khả năng Bắc Cực sẽ bị tan băng là điều không tránh khỏi, nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Canada, Na-uy và Đan Mạch lo sợ sẽ bị "mất quyền lợi" ở Bắc Cực - nơi được xem là có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhất hiện nay. Hồi tháng 9.2008, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố tại phiên họp Hội đồng an ninh, Nga cần phải nhanh chóng xác lập việc mở rộng thềm lục địa của nước này ở Bắc Cực. Nga cũng đã từng tiến hành hai cuộc khảo sát hồi năm 2005 để thu thập cứ liệu, chứng minh lãnh thổ Nga kéo dài đến vùng cực Bắc băng giá. Chính quyền Moscow cam kết sẽ trình toàn bộ tài liệu này lên Liên Hợp Quốc vào năm 2010.
Đặng Hoàng Thái
(Theo RIA Novosti)