Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 11-1, trong chuyến thăm LB Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moscow. Tại cuộc hội đàm, lãnh đạo hai nước đã thảo luận nhiều vấn đề mà hai bên cũng quan tâm như hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng như tình hình Iran, Trung Đông...
Tổng thống Nga V. Putin và Thủ tướng Đức A. Merkel tại buổi họp báo. (Ảnh: Ria)
Tại cuộc họp báo diễn ra sau buổi hội đàm, bà Merkel khẳng định Đức không ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty tham gia dự án Nord Stream 2. Theo bà, Đức không cho rằng sẽ bị phụ thuộc vào Nga trong việc cung cấp khí đốt. Bà nhấn mạnh dự án Nord Stream 2 là một dự án kinh tế và bởi vậy Đức cho rằng nó phù hợp và nên hoàn tất dự án này "bất chấp các lệnh cấm vận".
Về phần mình, ông Putin bày tỏ tin tưởng rằng, Nga sẽ có đầy đủ khả năng để tự mình hoàn tất và đưa vào hoạt động dự án Nord Stream 2. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, việc hoàn tất xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí này có thể bị chậm vài tháng so với kế hoạch. Ông cho biết, các tuyến đường ống dẫn khí có thể sẽ đi vào hoạt động vào trước cuối năm 2020 hoặc trong đầu năm tiếp theo. Bà Merkel cũng lưu ý, cả Đức và Nga đều tích cực mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương, bất chấp các lệnh cấm vận.
Tại buổi họp báo, ông Putin cũng kêu gọi các bên trong cuộc xung đột ở Lybia lưu tâm tới lời kêu gọi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về một lệnh ngừng bắn kể từ ngày 12-1. Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ lo ngại về việc một số lượng lớn lính đánh thuê đã di chuyển từ khu vực Idlib của Syria sang Lybia. Theo ông, "đây là một tiến triển rất nguy hiểm". Ông Putin cũng lên tiếng ủng hộ sáng kiến của Đức trong việc tổ chức một hội nghị quốc tế về Lybia ở Berlin (Đức). Ông lưu ý rằng tình hình ở Lybia đang gây mất ổn định trong khu vực và có tác động tiêu cực tới châu Âu.
Hãng thông tấn TASS cho biết, về tình hình Iran, cả hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đều cho rằng cần duy trì Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn được gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran. Bà Merkel nói: "Đức cho rằng Iran không nên tiếp cận với vũ khí hạt nhân và bởi vậy chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp ngoại giao để duy trì thỏa thuận này". Phát biểu ý kiến về vụ chiếc máy bay chở khách của Ukraine bị rơi ở Iran, bà Merkel đánh giá việc Iran thừa nhận bắn nhầm chiếc máy bay là "một bước đi quan trọng". Bà gọi sự việc này là "một sự kiện kịch tính".
Trong khi đó, đánh giá về tình hình Trung Đông, Tổng thống Nga Putin bày tỏ hy vọng rằng sẽ không xuất hiện các hoạt động quân sự lớn ở khu vực này, nếu không tình hình sẽ trở thành một thảm họa đối với cả thế giới. Theo ông, việc này sẽ dẫn tới một luồng người tị nạn quy mô lớn, không chỉ đối với chấu Âu, mà còn đối với cả các khu vực khác. Ông nói: "Đó sẽ là một thảm họa nhân đạo, một thảm họa liên tôn giáo, một thảm họa kinh tế. Bởi nó sẽ dẫn tới việc phá hủy hoặc gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế thế giới và năng lượng thế giới".
Ngoài ra, tại buổi họp báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel còn đề cập tới tình hình ở Ukraine và Syria. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng Thỏa thuận Minsk vẫn là một cơ sở không thể tranh cãi đối với việc bình thường hóa tình hình ở miền đông Ukraine. Ngoài ra, về cuộc xung đột ở Syria, hai bên cho rằng chỉ có thể giải quyết bằng các biện pháp chính trị theo Nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Nguồn Nhandan