Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nga được gì và mất gì sau tuyên bố rút quân khỏi biên giới Ukraine
Thứ năm: 10:03 ngày 17/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cuộc khủng hoảng tại khu vực biên giới Nga-Ukraine đã tạm thời hạ nhiệt sau khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rút một số lực lượng ra khỏi khu vực này.

Ngày 15/2, Nga đã công bố video về việc rút lực lượng ra khỏi biên giới với Ukraine, nhưng vẫn chưa rõ có bao nhiêu binh sỹ rút đi. Điều này đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu động thái này là hành động thiện chí để giảm leo thang căng thẳng hay là chiến lược “tung hỏa mù”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Điện Kremlin. Ảnh: RT

Mỹ và các quan chức phương Tây cùng các chuyên gia độc lập đã thể hiện sự thận trọng trước diễn biến này, nói rằng, họ sẽ chờ xem liệu Nga có thực sự rút quân hay không. Hiện, Moscow vẫn đang tiến hành các cuộc tập trận lớn ở nước láng giềng Belarus và ở Biển Đen.

Vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Putin có nhận được bất cứ sự nhượng bộ nào từ các nhà lãnh đạo của Mỹ và châu Âu hay không, nhưng đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận, việc tìm kiếm quy chế thành viên của Ukraine trong NATO vẫn là “một giấc mơ xa vời”.

Một số nhà phân tích cho rằng, có một sự logic trong quyết định rút quân của Nga, cho thấy Moscow “nói lời giữ lời”. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Putin và cấp dưới thân cận của ông – Ngoại trưởng Lavrov thảo luận về khả năng có một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine ngày 14/2.

Ông Lavrov kêu gọi ông Putin tiếp tục các cuộc đàm phán, nói thêm rằng, các bên “luôn có cơ hội để đạt được một giải pháp” song khẳng định rằng “không nên có những cuộc đối thoại dài bất tận về các vấn đề cần được giải quyết ở thời điểm hiện tại” và ông Putin dường như đồng ý với đề xuất này.

Việc rút quân cũng hoàn toàn phù hợp với cam kết của Tổng thống Putin trong cuộc gặp với người đồng cấp Pháp tại Moscow tuần trước. Tại cuộc gặp, ông Putin nói rằng, Nga sẽ rút quân khỏi khỏi biên giới Ukraine sau khi kết thúc cuộc tập trận chung.

Xe tăng của quân đội Nga sau cuộc tập trận ở Belarus. Ảnh: TASS

Thông điệp tiếp theo mà Nga muốn gửi tới phương Tây là thiện chí theo đuổi biện pháp ngoại giao. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Putin khẳng định, Nga không muốn chiến tranh và “đây là lý do tại sao chúng tôi thúc đẩy một loạt đề xuất trong quá trình đàm phám, nhằm đạt được một thỏa thuận đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các bên, trong đó có Nga”.

Theo Ngoại trưởng Nga Lavrov, Điện Kremlin sẽ tiếp tục cố gắng đạt thỏa thuận với các đối tác phương Tây. Vấn đề nằm ở chỗ, Moscow không có nhiều thời gian để làm điều này, trong khi Mỹ dường như không sẵn sàng đưa ra bất cứ nhượng bộ quan trọng nào với Nga. Mặc dù các nước NATO đã rút các đơn vị huấn luyện ra khỏi Ukraine, song điều đó không đồng nghĩa với việc phương Tây sẽ từ bỏ quốc gia Đông Âu này.

Nga được gì và mất gì?

Xét về mặt chính trị, Nga vẫn chưa đạt được bất cứ mục tiêu nào trong số những yêu cầu mà họ đưa ra cho Mỹ và NATO suốt 2 tháng qua. Không có gì đảm bảo Ukraine sẽ không gia nhập NATO – điều mà Nga cánh cánh lo ngại bấy lâu nay, cũng như việc Ukraine hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông.

Quan trọng hơn, Ukraine đang nắm trong tay hàng tấn vũ khí do phương Tây sản xuất và một khi quân đội Nga quay trở lại căn cứ - cách biên giới nước láng giềng hàng nghìn km, Kiev có thể tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng ở miền Đông.

Nhận thức rõ khả năng này, các nhà lập pháp Nga đã bỏ phiếu thông qua đạo luật kêu gọi Tổng thống Nga công nhận 2 khu vực ly khai ở Ukraine là cộng hòa độc lập - một động thái mở đường để Nga có thể sáp nhập 2 khu vực trên, giống như những gì diễn ra tại bán đảo Crimea năm 2014. Song bước đi này có thể khiến phương Tây áp đòn trừng phạt mạnh mẽ hơn với Nga và khiến cuộc khủng hoảng leo thang hơn nữa. Quyền quyết định hiện giờ năm trong tay Tổng thống Putin.

Tuy vậy, ông Putin đã khiến chính giới Nga bất ngờ khi tuyên bố sẽ không vội vã công nhận 2 khu vực nói trên. Tại cuộc họp báo với Thủ tướng Olaf Scholz, ông Putin nói đa số nghị sỹ Nga ủng hộ bước đi này, nhưng hiện tại ông tin rằng Nga nên tiếp tục làm việc trong khuôn khổ các thỏa thuận hòa bình hiện có để chấm dứt xung đột Ukraine, chẳng hạn thỏa thuận Minsk năm 2015.

Theo các nhà phân tích, nếu chiến tranh là hướng đi mà Nga đã chọn thì không có lý do gì để Moscow chờ đợi đến ngày 16/2 mới tiến hành cuộc tấn công như dự đoán của tình báo phương Tây. Hành động dứt khoát nhưng có yếu tố bất ngờ đã giúp Nga thành công về mặt quân sự trong nhiều chiến dịch quân sự, như tại Syria.

Tin tức về quyết định rút quân của Nga đã khiến giá trị đồng rúp tăng nhẹ. Điều này có nghĩa là nếu chiến tranh không xảy ra, việc rút quân sẽ giúp Nga có thêm nhiều thời gian để khôi phục kinh tế và thực hiện những bước đi xa hơn. Chuyên gia Sergey Radchenko, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins đã so sánh chiến thuật của ông Putin giống như việc “nấu một nồi nước dùng”, tức là tăng giảm nhiệt độ một cách phù hợp, nhằm đạt được kết quả mà ông mong muốn.

Nguồn VOV

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục