BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nga - Iraq có thể ký hợp đồng mua bán vũ khí lớn

Cập nhật ngày: 10/10/2012 - 05:28

Mới đây, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki có chuyến thăm Moscow lần đầu tiên trong 4 năm qua với mục tiêu thảo luận với các nhà lãnh đạo Nga về triển vọng hợp tác kinh tế, chính trị, quân sự giữa 2 nước.

Trong bài phát biểu hôm 9.10, ông Nouri al-Maliki nhấn mạnh rằng, việc mua vũ khí không phải là ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ với Nga, nhưng Iraq rất cần sự hỗ trợ của Nga cả trong lĩnh vực quân sự cũng như quốc phòng.

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki (trái) và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev tại Moscow hôm 9.10. Ảnh: RIA Novosti

Thủ tướng Iraq nói: “Nhiều người cho rằng chuyến thăm này của chúng tôi chỉ nhằm mua vũ khí. Thực sự không hẳn vậy. Chúng tôi đến Nga với nhiều mục đích, và việc mua vũ khí không phải là việc chiếm vị trí quan trọng nhất. Tất nhiên, chúng tôi cần sự hỗ trợ của Nga trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng. Iraq cũng cần trang bị vũ khí để bảo vệ đất nước và chống khủng bố”.

Ngày 10.10, Thủ tướng Nouri al-Maliki có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc gặp này được phỏng đoán có thể dẫn tới việc ký kết hợp đồng bán vũ khí trị giá 4,2 tỷ USD, qua đó biến Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Iraq sau Mỹ. Tờ Vedomosti cho biết, hợp đồng 4,2 tỷ USD gồm 30 chiếc Mi-28 và 42 hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S1.

Trả lời câu hỏi, Iraq làm thế nào để giải thích với Mỹ việc mua vũ khí Nga, Thủ tướng al-Maliki nhấn mạnh: “Khi chúng tôi tiến hành mua vũ khí, dầu khí hay thảo luận các vấn đề chính trị, chúng tôi không cần phải nghe theo lời ai cả. Chính sách đối ngoại của chúng tôi là xuất phát từ lợi ích quốc gia. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước”.

Đi cùng Thủ tướng al-Maliki trong chuyến công du Moscow có các bộ trưởng dầu khí và thương mại Iraq. Hai người này có thể phê chuẩn hợp đồng đầu tư mới của các công ty năng lượng Nga là Rosneft và Gazprom.

Cả 2 công ty lớn trên của Nga từng có những hợp đồng béo bở ở Iraq trước khi nước này tái tổ chức sau sự sụp đổ của chính quyền Saddam Hussein. Cả 2 công ty đều rất quan tâm tới một số giếng dầu mới ở Iraq để bù đắp lại cho việc sụt giảm sản lượng tại các giếng dầu quan trọng nhất, nhưng cũng có “tuổi đời” rất cao của Nga.

TÙNG LÂM

Tổng hợp