Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chính phủ Nga vừa thông qua một văn kiện khung nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, qua đó giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông tại nước này.
Ảnh: Reuters
Văn kiện đề ra cho giai đoạn 2018-2024, tầm nhìn tới năm 2030, trong đó nhấn mạnh mục tiêu chiến lược là tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, giảm tỷ lệ tử vong xuống 0.
Đề cập đến việc thông qua văn kiện này, Thủ tướng Nga nhấn mạnh rằng các bộ, ngành và các địa phương khi soạn thảo văn bản về chiến lược phát triển giao thông cần phải lưu ý tới triển vọng của các phương tiện tự lái.
Hãng tin Tass dẫn lời Thủ tướng D.Medvedev: “Sự hiện hữu của loại hình phương tiện này đang ngày càng rõ nét, vì vậy, việc thay đổi cơ sở pháp lý trong lĩnh vực này là việc dứt khoát phải làm".
Tuy nhiên, trong văn bản này không hề nhắc tới các phương tiện tự lái mà chủ yếu đề cập đến các số liệu thống kê và các vấn đề về tai nạn giao thông.
Người đi bộ và người mới biết lái xe
Tai nạn đường bộ tại Nga xảy ra chủ yếu do va chạm giữa các loại phương tiện với người đi bộ. Theo số liệu thống kê, những va chạm kiểu này chiếm hơn 70% số vụ tai nạn.
Các chuyên gia ước tính rằng thiệt hại kinh tế hằng năm do tai nạn giao thông tại Nga tương đương khoảng 2% GDP và ngang với tổng sản phẩm của khu vực Krasnodar hay Cộng hòa Tatarstan.
Trong nhóm người có nguy cơ gây tai nạn giao thông gồm người mới biết lái xe, được cấp bằng lái dưới 2 năm. Thống kê năm 2016 cho thấy, cứ 13 vụ tai nạn giao thông đường bộ thì có một vụ do những lái xe này gây ra (chiếm 7,9% tổng số các vụ tai nạn). Trong khi đó, số vụ tai nạn do lái xe sử dụng đồ uống có cồn tăng 1,8 lần.
Tai nạn do va chạm giữa các phương tiện giao thông với người bộ hành được coi là nghiêm trọng nhất. Trong vòng 10 năm qua đã có 86,4 nghìn người tử vong và hơn 600 nghìn người bị thương từ nguyên do này. Cũng chính vì thế, trong văn bản đã dành hẳn một chương cho nội dung này. Trong năm 2016, 30,8% số tai nạn giao thông là do những va chạm này. Hơn nữa, hậu quả thường rất nghiêm trọng (cứ 100 vụ va chạm thì có 11 ca tử vong).
Để giảm tỷ lệ tử vong cùng với việc nâng cấp hạ tầng đường xá thì khi soạn thảo các quy tắc, chuẩn mực cũng cần phải lưu ý nhắm tới việc điều chỉnh thái độ, hành vi của người tham gia giao thông; hoàn thiện các cơ chế đối với việc đào tạo và cấp bằng lái.
Để đạt được các mục tiêu chiến lược, Chính phủ Nga đã chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng các biện pháp để thực hiện chiến lược và đề nghị tất cả các cơ quan công quyền ở các vùng của Nga phải được hướng dẫn bằng văn bản khi giải quyết các vấn đề về an toàn giao thông.
Chiến lược này được lên kế hoạch thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu-giai đoạn chuẩn bị, hoàn thành vào năm 2020. Thời gian thực hiện giai đoạn 2 là từ năm 2021-2024.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp và xây dựng nhà nước Vyacheslav Lysakov, việc tuân thủ luật pháp phải được hình thành từ thuở nhỏ. Từ trong trường học, thậm chí là từ mẫu giáo, cần phải hướng dẫn trẻ việc tôn trọng tính mạng của mình và người khác, tuân thủ pháp luật và các quy tắc giao thông. Tất cả điều này đòi hỏi sự thay đổi nghiêm túc trong chương trình giảng dạy tại nhà trường.
Tỷ lệ tử vong ở Nga cao là do đường xá và cơ sở hạ tầng giao thông đã lạc hậu, Điều phối viên của phong trào "Tổ chức của những chiếc đèn xanh" Petr Shkumatov nói với RBK. "Một nửa số người chết là vì thiếu những tín hiệu giao thông cơ bản như đèn giao thông, đường dẫn...
Theo ông Shkumatov, những chiếc xe đời quá cũ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các tai nạn giao thông. Những chiếc xe hiện đại thường an toàn hơn nhiều so với những chiếc xe được sản xuất cách đây 20 năm.
Theo Giám đốc Trung tâm giám định an toàn giao thông Vadim Melnikov, mỗi năm có khoảng 20.000 người Nga thiệt mạng do tai nạn giao thông. Việc giảm tỷ lệ tử vong xuống 0 mặc dù là mục tiêu đầy tham vọng nhưng không phải là bất khả thi vì 10 năm trước, con số này là khoảng 36.000 người.
Nguồn chinhphu