Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng đề xuất tấn công hạt nhân vào Gaza của Bộ trưởng Israel đặt ra nghi vấn, có thể làm sáng tỏ lý do thực sự khiến Tel Aviv phản đối việc thành lập khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Trung Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS
Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 7/11 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, đề xuất của Bộ trưởng Di sản Israel về một cuộc tấn công hạt nhân vào Dải Gaza đã đặt ra nhiều câu hỏi, bao gồm cả việc liệu Israel có sở hữu vũ khí hạt nhân hay không.
Phát biểu trên kênh truyền hình Solovyov Live, bà Zakharova nêu rõ: "Đề xuất trên đặt ra một số lượng lớn câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên là chúng ta có nghe tuyên bố chính thức rằng [Israel] có vũ khí hạt nhân không? Do đó, câu hỏi tiếp theo mà mọi người đặt ra là: Các tổ chức quốc tế ở đâu, IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) ở đâu, thanh tra đâu?".
Bà Zakharova cũng cho rằng những tuyên bố như vậy của quan chức Israel đã làm sáng tỏ lý do thực sự khiến Tel Aviv phản đối việc thành lập khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Trung Đông. Theo nhà ngoại giao này, Mỹ đã nỗ lực hết sức để giúp Israel có được vũ khí hạt nhân và ủng hộ mạnh mẽ cho Tel Aviv trong vấn đề trên.
"Nếu chương trình này tồn tại thì các cuộc thử nghiệm được tiến hành ở đâu, tại bãi thử nào? Rõ ràng là không có trong khu vực, vậy thì ở đâu? Và liệu Mỹ có đứng đằng sau tất cả những điều này hay không?" nhà ngoại giao Nga nói.
Trước đó vào ngày 5/11, Bộ trưởng Di sản Israel Amichai Eliyahu đã được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Kol Berama rằng: liệu có nên thả bom hạt nhân xuống Gaza hay không và đã trả lời rằng đó là một trong những khả năng. Quan chức này sau đó giải thích tuyên bố về bom hạt nhân chỉ mang tính ẩn dụ, nhưng Israel chắc chắn "cần một phản ứng mạnh mẽ và bất đối xứng với chủ nghĩa khủng bố".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay lập tức đã bác bỏ quan điểm của ông Eliyahu rằng việc thả bom hạt nhân xuống Dải Gaza có thể xảy ra, đồng thời đình chỉ quan chức này tham gia các cuộc họp chính phủ. Nhưng tuyên bố của ông Eliyahu đã bị một số nước Trung Đông, bao gồm Qatar, Saudi Arabia và Syria chỉ trích.
Tình hình ở Trung Đông đang leo thang nhanh chóng sau vụ tấn công của lực lượng Hamas từ Dải Gaza vào Israel hôm 7/10, kèm theo việc sát hại cư dân tại các khu định cư của Israel gần biên giới và bắt giữ con tin. Hamas coi cuộc tấn công là phản ứng trước hành động của Israel nhằm vào Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem. Đáp lại, Israel tiếp hành bao vây hoàn toàn Dải Gaza và thực hiện các cuộc tấn công vào khu vực này trong 1 tháng qua.
Nguồn Công Thuận/Báo Tin tức