Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nga sẽ không sửa hiến pháp
Thứ hai: 15:23 ngày 07/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hôm nay (7-5), Tổng thống Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới. Hiện nay, ông bác bỏ việc sửa đổi hiến pháp để lãnh đạo nước Nga trọn đời.

Hôm nay (7-5), Tổng thống Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, ngày 7-5, Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu nhiệm kỳ thứ 4 với lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra ở thủ đô Mátxcơva. Chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 3 vừa qua với 76,65% số phiếu ủng hộ mang lại cho ông thêm nhiệm kỳ 6 năm, tức kéo dài đến ngày 7-5-2024.

Theo AFP, ông Putin sẽ không thể tiếp tục ra tranh cử khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024. Song, trong trường hợp không có người kế nhiệm và không có sự cạnh tranh chính trị, kịch bản nào sẽ diễn ra vào thời điểm năm 2014?

Chắc chắn nếu không cải cách hiến pháp, ông Putin sẽ không thể tranh cử nhiệm kỳ 5. Năm 2024, ông Putin sẽ bước sang tuổi 72, có thể quyết định việc rời Điện Kremlin sau 24 năm nắm quyền, mở đường cho người kế nhiệm.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC của Mỹ hồi tháng 3, Tổng thống Putin cũng nói rằng, ông đã nghĩ đến một người kế nhiệm tiềm năng kể từ năm 2000, nhưng “quyết định là do người dân Nga”.

Thực tế, không ai có thể cạnh tranh được với ông Putin mặc dù nhà lãnh đạo này đã 4 lần đắc cử tổng thống. Không chính trị gia nào khác hiện được người dân Nga ủng hộ để đứng đầu Điện Kremlin. Nhiều nhà phân tích thậm chí cho rằng, việc ông Putin rời quyền lực sau 6 năm tới là điều không thể.

Song, vẫn có cách để ông Putin tiếp tục điều hành nước Nga sau năm 2024, đó là ông sẽ giữ một vai trò khác. Năm 2008, ông Putin đã ủng hộ đồng minh Dmitry Medvedev làm Tổng thống, còn ông làm Thủ tướng để rồi sau đó trở lại Điện Kremlin vào năm 2012. Nếu theo kịch bản này, ông Putin có thể trở lại cương vị Tổng thống vào năm 2030, nhưng lúc đó ông 78 tuổi.

Hiện một kịch bản được đặt ra là ông Putin có thể hành động tương tự Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: sửa đổi hiến pháp, bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với tổng thống. Song đến nay, ông Putin bác bỏ việc lãnh đạo nước Nga suốt đời.

“Tôi không bao giờ thay đổi hiến pháp, đặc biệt là những điều có lợi cho tôi và hiện tôi không có ý định như thế”, ông chủ Điện Kremlin khẳng định với NBC. Nhà phân tích chính trị độc lập Dmitry Oreshkin cũng nhận định, Tổng thống Putin sẽ từ bỏ quyền lực vào năm 2024.

Trong khi đó, hãng AP lạc quan rằng, nếu ông Putin hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ 6 năm tới, nước Nga năm 2024 sẽ đạt những tiến triển trong trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới, cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện đáng kể. Song, theo cơ quan thăm dò dư luận quốc gia Nga VTsIOM, hiện 47% đặt niềm tin ông Putin có thể giải quyết các vấn đề của đất nước -  con số khá thấp.

Các vấn đề của nước Nga bao gồm: tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, giảm phụ thuộc vào năng lượng, nâng cao phúc lợi xã hội… Hồi tháng 4, ông Putin tuyên bố cắt giảm ngân sách quốc phòng để chi hơn 162 tỷ USD cho các lĩnh vực y tế, giáo dục... trong 6 năm tới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người Nga và thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển.

Bên cạnh đó, chắc chắn ông Putin phải tiếp tục khẳng định vai trò của Nga trên trường quốc tế, trong đó có cam kết tham gia quân sự đến cùng trong vấn đề Syria và thể hiện rõ Mátxcơva không ủng hộ phiến quân ly khai ở đông Ukraine.

Ngoài ra, cải thiện quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây cũng là một thách thức không nhỏ đối với Tổng thống Putin, khi khủng hoảng ngoại giao Nga - Anh, hay Nga - phương Tây có thể còn diễn biến phức tạp và các biện pháp trừng phạt đang tác động đến nền kinh tế Mátxcơva.

Nguồn baodanang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục