Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Rất có khả năng Nga sẽ trì hoãn việc thông qua Hiệp ước cắt giảm kho vũ khí hạt nhân mới (START 2) đến tháng 1.2011 để xem xét kỹ càng những điều khoản phải thực thi.

Hãng tin RIA Novosti trích dẫn lời Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Viện Duma quốc gia Nga (Hạ viện) Konstantin Kosachev cho biết, rất có khả năng Nga sẽ trì hoãn việc thông qua Hiệp ước cắt giảm kho vũ khí hạt nhân mới (START 2) đến tháng 1.2011 để xem xét kỹ càng những điều khoản phải thực thi.
Hôm 24.12, Viện Duma bắt đầu phiên nghị sự xem xét thông qua Hiệp ước START 2 vừa được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 22.11 với tỷ lệ 71 phiếu thuận, 21 phiếu chống. Dự kiến, Viện Duma sẽ phải tiến hành thêm ít nhất 2 phiên họp nữa để nghiên cứu nội dung nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước của Thượng viện Mỹ. “Phiên nghị sự hôm 24.12 không ấn định thời gian tổ chức phiên họp thứ hai, vì thế sớm nhất cũng phải đến tháng Giêng năm sau” - ông Kosachev nói.
Việc Viện Duma quốc gia Nga trì hoãn thông qua Hiệp ước là lẽ đương nhiên vì không như bản dự thảo mà Mỹ gởi cho Nga ban đầu chỉ có 11 trang, sau khi Thượng viện Mỹ thông qua, số trang của Nghị quyết Thượng viện Mỹ lên đến 13 trang buộc các nhà lập pháp Nga phải nghiên cứu kỹ càng.
![]() |
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev tại buổi lễ ký kết Hiệp ước START 2 tại Prague (CH Czech) ngày 8.4.2010. Ảnh: Getty |
Hiệp ước START 2, thay thế Hiệp ước START 1 đã hết hạn từ tháng 12.2009, được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Mỹ Barack Obama ký kết hồi tháng 4 năm nay tại Prague (CH Czech). Việc Nga và Mỹ ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới này được các nhà lãnh đạo trên thế giới đặc biệt hoan nghênh, trong đó có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Tổng thư ký khối quân sự NATO Anders Fogh Rasmussen. Theo Hiệp ước, Mỹ và Nga cùng cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên từ 2.200 đầu đạn xuống còn 1.550 đầu đạn trong vòng 7 năm tới.
Ngoài ra, cả hai bên còn thoả thuận sẽ tiến hành kiểm tra kho vũ khí hạt nhân của nhau. Bà Rouz Gottemoeller, trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Mỹ cho biết, trong START 1, hằng năm có 28 đợt thanh sát giữa mỗi bên. Nhưng trong hiệp ước START 2, số lần thanh sát rút xuống chỉ còn 18 lần do phía Nga đã đóng cửa một số cơ sở hạt nhân. Trước đó, Nga có đến 70 cơ sở hạt nhân nhưng hiện nay đã giảm xuống chỉ còn có 35.
Hiệp ước chính thức có hiệu lực khi được Quốc hội Mỹ và Nga phê chuẩn.
Việc Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước được xem là một thắng lợi cực kỳ quan trọng đối với Tổng thống Barack Obama. Trong quá trình xem xét Hiệp ước, ông Obama đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhiều nghị sĩ đảng Cộng hoà, trong đó có những nhân vật “cộm cán” trong thượng viện như Mitch McConnell, John McCain và Jon Kyl. Họ cho rằng, trong Hiệp ước có các điều khoản cản trở Mỹ phát triển công nghệ tên lửa đánh chặn. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, phe Cộng hoà phản đối hiệp ước chỉ vì không muốn ông Obama giành được một thắng lợi quan trọng trong chính sách đối ngoại.
Rất may là ông Obama cũng đã nhận được không ít sự ủng hộ từ chính đảng Cộng hoà. Thượng nghị sĩ Richard Lugar từ chối đồng ý yêu cầu của các thành viên khác trong đảng về việc mở thêm các phiên điều trần vào năm 2011. Ông cho rằng, cần phải thông qua Hiệp ước START 2, “vì lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ”.
Bên cạnh đó, ông Obama cũng nhận được sự ủng hộ của các cựu Ngoại trưởng Mỹ, từ Henry Kissinger đến bà Condoleezza Rice.
HY UYÊN
(tổng hợp)