Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngã tư Thanh Điền- âm vang quá khứ 

Cập nhật ngày: 16/08/2022 - 23:56

BTN - Địa điểm này cũng đã trở thành một di tích lịch sử - văn hoá của tỉnh Tây Ninh. Bia nằm trong một ô đất giống như ô nhà phố ngay bên đường 786, chỉ cách ngã tư hơn 100 mét hướng về phía ngã tư bến xe Tây Ninh. Nhỏ thế nhưng rất dễ nhận ra, bởi chung quanh là san sát nhà phố của một ngã tư đông đúc ồn ào.

Bia tưởng niệm

Tháng 7.2022 vừa đi qua, lòng người Tây Ninh còn chưa quên những hoạt động nghĩa tình trong tháng “Đền ơn đáp nghĩa”. Nơi nơi, các cấp chính quyền, đoàn thể viếng nghĩa trang, thăm mộ liệt sĩ. Huyện, thị nào cũng có các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công. Đoàn viên, thanh niên trong tỉnh tham gia hành trình tháng 7 tri ân.

Tỉnh và Quân khu 7 trọng thể làm lễ đón hài cốt liệt sĩ mới quy tập trên chiến trường K về nghĩa trang. Cầu truyền hình giữa Đài Truyền hình Tây Ninh và Hải Phòng lại đầy cảm xúc với việc các cựu chiến binh âm thầm đi tìm đồng đội còn nằm lại đâu đó giữa rừng. Có những chuyện nhỏ thôi, cũng làm lòng người ấm áp, như việc các đoàn viên Công an chia nhau đến nhà các Mẹ Việt Nam anh hùng, nấu một bữa cơm ăn cùng Mẹ…

Trong không khí ấy, đến ngã tư Thanh Điền, ta cũng sẽ thấy một di tích nhỏ bé bên đường nghi ngút khói nhang. Đấy là bia tưởng niệm “Đời đời nhớ ơn 21 liệt sĩ Sư đoàn 9 và quân dân Thanh Điền anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng”.

Địa điểm này cũng đã trở thành một di tích lịch sử - văn hoá của tỉnh Tây Ninh. Bia nằm trong một ô đất giống như ô nhà phố ngay bên đường 786, chỉ cách ngã tư hơn 100 mét hướng về phía ngã tư bến xe Tây Ninh. Nhỏ thế nhưng rất dễ nhận ra, bởi chung quanh là san sát nhà phố của một ngã tư đông đúc ồn ào.

Vậy mà ô phố có nhà bia lại mướt xanh bóng lá và những bụi hoa họ cúc đơm đầy bông như những đàn bướm trắng, bướm vàng rủ nhau đến đậu. Tháng 7 này còn có thêm vòng hoa tươi của Sư đoàn 9. Lồng lộng trên đỉnh bia cờ Tổ quốc tung bay. Bia giản dị, xây bằng tường gạch với màu vôi trắng. Nổi bật 3 tấm bia đá đen, chữ khắc vàng tươi. Hai tấm bia hai bên là các dòng tên của 21 chiến sĩ sư đoàn đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968.

Theo bản lý lịch di tích lịch sử “Địa điểm tưởng niệm 21 chiến sĩ trung đoàn 2, sư đoàn 9 hy sinh…” thì đấy là ngày 12.9.1968; sau khi Trung đoàn đã tham gia tấn công đợt 2 vào trung tâm Sài Gòn thì được điều lên chiến đấu ở mặt trận Tây Ninh. Vào ngày này, sách Truyền thống cách mạng xã Thanh Điền (2010) đã viết: “Trong khi các lực lượng vũ trang cách mạng áp sát vào thị xã, địch chi viện 2 tiểu đoàn 6 và 7 “Trâu điên” (lính thuỷ quân lục chiến) lên Tây Ninh và tổ chức càn quét xã Thanh Điền…

Du kích xã và lực lượng vũ trang Thị xã phối hợp với lực lượng vũ trang Sư đoàn 9 về trụ tại ngã tư ấp Thanh Phước, tổ chức phục kích đánh địch suốt 3 ngày, làm tiêu hao 1 tiểu đoàn địch và bắn cháy nhiều xe cơ giới. Ta hy sinh 23 đồng chí (sau xác định lại là 21- NV) của sư đoàn 9, nhà cửa của đồng bào ấp Thanh Phước bị hư hao gần hết, do bom pháo của địch gây ra.

Trong trận này, khi rút quân ra, ta không kịp lấy hết xác của các đồng chí đã hy sinh. Khi chiếm lại, địch dùng xe ủi xác chiến sĩ sư đoàn 9 xuống hố bom tại ấp Thanh Phước rồi lấp đất lại (sau ngày giải phóng, ta đã bốc hài cốt các đồng chí về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ. Nhân dân Thanh Điền đã lập bia tưởng niệm tại ngã tư ấp Thanh Phước)…”.

Chúng tôi được biết, rằng bia tưởng niệm liệt sĩ Sư đoàn 9 đã được nhân dân Thanh Điền xây dựng từ lâu, trước khi địa điểm này được công nhận là di tích hàng chục năm về trước. Điều này chứng tỏ thêm một lần là lòng dân Thanh Điền luôn hướng về cách mạng.

Như ông Võ Đức Tú, cán bộ lão thành, nguyên Bí thư Huyện uỷ Châu Thành từng ghi trong hồi ký: “Sự thật đã có hàng ngàn người ngã xuống, tự nguyện thề “Quyết tử giữ Thanh Điền…”. Vì sự nghiệp thiêng liêng cao cả đó, mà có những gia đình không còn một người, có gia đình 5 liệt sĩ, hàng ngàn người tiêu tan tài sản, cửa nhà không còn. Và trên mảnh đất Châu Thành còn đánh giặc cả dòng, cả họ, cả xóm, cả ấp và gần như cả xã Thanh Điền…” (dự thảo “30 năm làm nên sự nghiệp anh hùng”).

Cuốn sách này còn ghi nhận được không khí tưng bừng ngày đánh giặc ở Thanh Điền, như trận đánh 2 tiểu đoàn “Trâu điên” tháng 9.1968: “2 tiểu đoàn này đi dọc theo Cầu Nổi ngoài, tiến vào ngã tư Thanh Phước… Dẫn đầu bọn rằn ri quỷ quái này là chiếc M41 và 12 chiếc M113, tên chỉ huy ngồi trên xe Jeep phía sau đốc chiến, cả lũ chiến tranh tâm lý “theo đóm ăn tàn”.

Bọn Trâu Điên vác súng xông xáo lũ lượt theo sau M41 và M113. Chiếc M41 lủi ngay vào họng súng B41 của đội thị xã. Tiếng súng lịnh nổ vang, chiếc M41 bốc cháy, bọn trong xe bị thiêu rụi, kéo theo 3 chiếc nữa bốc khói. Đồng bào trên cây ngó thấy, từ phía bộ đội ta tung ra 4 làn xanh vào 4 chiếc xe, lửa đỏ bốc cao, 4 chiếc quỵ xuống, bọn trong xe số bị chết cháy, số còn lại quay đầu chạy bất kể, kéo về Mít Một không dám ngoái đầu lại.

Tội nghiệp lũ “Trâu Điên” không dám quay lại, lôi đầu từ từ kéo vào trận địa. Từng loại đại liên, trung liên, AK, CKC thi nhau nổ và từ trên cao giáng xuống. “Trâu Điên” hết chém được, nằm róng họng cả bầy. Ta xung phong lùa chúng ra đồng, nhận luôn xuống ruộng sình Cầu Nổi. Đồng bào vô cùng hả dạ…”.

Chiến dịch Mậu Thân 1968 cũng như nhiều trận diễn ra trên đất Thanh Điền từ thời kháng chiến chống Pháp đều có sự góp sức và cả máu xương của người dân địa phương. Quy luật bất biến ở đây là, sau mỗi trận thua đau, giặc đều tung ra những lực lượng với vũ khí, thiết bị chiến tranh có sức tàn phá mạnh để trả thù. Trong trận này cũng thế: “Chúng cho các cụm pháo và máy bay khu trục, phản lực và cả bầy “cá rô”, “cá lẹp” đến dội bom pháo như mưa vào trận địa ta…”.

Và cũng như mọi lần, người Thanh Điền lại mở rộng tấm lòng, dũng cảm bảo bọc đội quân cách mạng, bằng tiếp tế cơm ăn, nước uống, bằng cứu chữa thương binh và chuyển về phía sau. Trong trận đánh đặc biệt này, còn có một sự kiện đặc biệt hơn nữa. Đấy là “5.000 lính của đội quân tóc dài (Nhân dân- chủ yếu là phụ nữ) đã dẫn theo trâu, bò, heo, gà kéo vào thị xã “tản cư ngược”.

Vừa tuyên truyền trận đánh, tuyên truyền tài ba của quân giải phóng và cho trâu, bò, heo, gà đi ngổn ngang lộn xộn trên các đường phố thị xã. Kẻ thù phải hứa với đồng bào là không tiếp tục bắn pháo, không ném bom” (vào các ấp dân cư của xã Thanh Điền- NV) (Sđd).

Bản thảo này cũng cho biết Kết quả trận đánh: “350 con trâu điên về âm phủ, hàng trăm tên bị thương. Ta (có) 35 chiến sĩ đền xong nợ nước…”.

Ngã tư Thanh Phước, Thanh Điền ngày ấy nay đã thành một thị tứ đông vui tấp nập. Con đường chiến trận năm xưa đã là đường tránh TP. Tây Ninh của quốc lộ 22B. Bia liệt sĩ tưởng nhớ các anh nằm một góc ngã tư, mặt bia hướng về con đường Cầu Nổi- ngã tư tấp nập những dòng xe cộ.

Vẫn còn âm vang đâu đây tiếng vang của trận đánh trong chiến dịch mùa Xuân 1968. Và không chỉ có thế. Ngã tư này từng âm vang chiến thắng vẻ vang từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp trong Lịch sử người Thanh Điền giữ đất quê hương.

Trần Vũ

(còn tiếp)