Ra đời từ năm 1923, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bom đạn chiến tranh, hầm rượu Debay nằm trong lòng núi tại Bà Nà, Đà Nẵng vừa được phục hồi lại gần như nguyên trạng.
Trong quãng thời gian từ năm 1919-1938, đồng thời với việc xây dựng hàng trăm ngôi biệt thự cùng bệnh viện, bưu điện, ngân hàng… để phục vụ nhu cầu nghỉ mát của các quan chức, sĩ quan quân đội, thương gia Pháp và những người Việt giàu có, người Pháp đã cho xây dựng hầm rượu này vào năm 1923. Mục đích cơ bản là để làm nơi cất giữ các loại rượu, đặc biệt là rượu vang mà người Pháp mang sang từ cố quốc.
Đây là công trình khá độc đáo bởi hầm rượu vốn thường chỉ được nhắc đến ở châu Âu. Đặc biệt hơn nữa, không giống các hầm rượu thường được đào sâu xuống lòng đất, hầm rượu này được đào xuyên vào lòng núi.
Hầm rượu có tổng chiều dài từ lối vào đến lối ra khoảng 100m, chiều cao 2,5m, rộng khoảng 2m, bên trong có các hầm cất giữ rượu, hầm chưng cất rượu, bar rượu, lò sưởi, sảnh. Vách hầm được xây bằng đá núi và vữa làm từ hỗn hợp đường và nhựa cây bời lời - một loại cây khá phổ biến ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng. Trần hầm được đào theo hình vòm cung thể hiện lối kiến trúc mang đậm chất Pháp.
Hơn nữa, hình vòm còn giúp tạo nên sự vững chắc cho hầm rượu. Đó là lý do vì sao gần 100 năm qua, hàng trăm ngôi biệt thự lộng lẫy nguy nga một thời nay chỉ còn là những phế tích nhưng hầm rượu vẫn trường tồn với thời gian với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn phá của bom đạn trong chiến tranh. Đây cũng là công trình duy nhất của người Pháp còn lại khá nguyên vẹn tại Bà Nà, Đà Nẵng.
Nhiệt độ bên trong hầm rượu nói chung và các hầm này nói riêng thường khoảng 16 - 20oC. Đây chính là nhiệt độ lý tưởng để cất giữ các loại rượu vang. Trong hầm rượu có tất cả 14 hốc, gồm có 11 hốc nhỏ và 3 hốc lớn, mỗi hốc này đều có chủ riêng - là những chủ nhân của những ngôi biệt thự hoặc khách sạn tại Bà Nà trước đây, đăng ký gửi rượu trong hầm.
Một số người lớn tuổi trước đây từng làm phu cho người Pháp ở Bà Nà kể lại rằng, người Pháp cất giữ rượu vang trong những hốc này và mang ra tiếp đãi khách quý trong những buổi khánh tiết.
Cùng với sự ra đi của người Pháp ở Việt Nam vào năm 1945, Bà Nà đã chìm vào quên lãng và hầm rượu cũng chịu chung số phận. Nó đã bị bỏ hoang trong một thời gian dài và khu vực này đã bị bom đạn đánh sập. May mắn thay, hầm rượu về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn và đã được phục chế lại.
Theo Dantri