Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, theo dõi diễn biến tình hình thị trường về cung cầu, giá cả, hàng hoá; phát hiện và xử lý kịp thời hiện tượng bất ổn thị trường.
Lực lượng Quản lý thị trường Tây Ninh kiểm tra hàng hoá tại siêu thị Co.opMart TP. Tây Ninh
Hiện nay, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao, theo đó nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc gia tăng, nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải có nhiều giải pháp hiệu quả hơn để lành mạnh hoá thị trường thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Theo Cục Quản lý thị trường Tây Ninh, tình hình buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh với tính chất nhỏ lẻ. Một số cơ sở kinh doanh buôn bán ở vùng sâu, vùng xa chưa am hiểu pháp luật hoặc vì lợi nhuận nên cố tình vi phạm, các mặt hàng thường bị làm giả là những mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng và được tiêu thụ nhiều trên thị trường, chủ yếu là đồng hồ, mắt kính, túi xách, quần áo, giày dép.
Ngày 16.2.2023, Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra địa điểm kinh doanh có tên Bảo Bối House, tại tổ 1, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, chuyên kinh doanh quần áo may sẵn. Qua quá trình kiểm tra, xác minh và làm việc, bà Ngô Thị Diễm Trang- chủ hộ kinh doanh thừa nhận kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ và buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.
Ngày 1.3.2023, UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Bảo Bối House 70 triệu đồng và buộc tiêu huỷ tang vật vi phạm là 18 cái áo khoác nữ giả mạo nhãn hiệu Chanel, 18 cái áo khoác nữ giả mạo nhãn hiệu Gucci, 165 cái quần nữ giả mạo nhãn hiệu Adidas. Trị giá hàng hoá vi phạm là 52,5 triệu đồng.
Qua công tác kiểm tra, quản lý địa bàn, những sản phẩm dễ bị làm giả, nhái là những sản phẩm, hàng hoá có thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Gucci, Chanel, Boss… vì vậy trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đấu tranh chống gian lận thương mại và hàng giả như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các cơ sở kinh doanh trên địa bàn và cho ký cam kết theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, theo dõi diễn biến tình hình thị trường về cung cầu, giá cả, hàng hoá; phát hiện và xử lý kịp thời hiện tượng bất ổn thị trường.
Kiểm tra, ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Ngăn chặn hàng giả trên sàn thương mại điện tử
Hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển, các tổ chức, cá nhân lợi dụng để thực hiện các hành vi đăng ký thông tin không chính xác để giao dịch, kho hàng hoá đều nằm ở các tỉnh, thành khác, từ đó gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài. Trên không gian mạng, đối tượng mở gian hàng, giảm giá, khuyến mãi để bán nhiều loại hàng lậu, hàng giả, sau đó xoá chứng cứ rất nhanh.
Khảo sát trên các trang mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những lời mời chào mua hàng mà đa số là hàng giả, hàng vi phạm bản quyền và cả hàng cấm kinh doanh. Khách hàng chỉ cần đặt số lượng và báo địa chỉ là hàng sẽ được chuyển tới tận nơi.
Hiện không ít người tiêu dùng lo ngại khi mua bán trên môi trường thương mại điện tử. Chị Trần Thị Kim Thơ, ngụ ấp Năm Trại, xã Trường Đông (thị xã Hoà Thành) cho biết, người tiêu dùng rất khó nhận biết hàng thật, hàng giả và khó kiểm tra chất lượng hàng khi mua hàng trên mạng.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia kiểm tra hàng hóa tại siêu thị Co.opMart TP tây Ninh.
Cục Quản lý thị trường Tây Ninh cho biết, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lợi dụng môi trường thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ và diễn biến phức tạp, theo từng thời điểm- nhất là vào các dịp lễ, tết, nhu cầu tiêu dùng tăng.
Ngoài các trang thương mại điện tử Tiki.vn, Lazada, Shopee... thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, các đối tượng tạo các tài khoản cá nhân, thành lập các hội nhóm trên không gian mạng, sử dụng để quảng cáo, rao bán hàng, trà trộn hàng giả, hàng cấm, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng... để tiêu thụ ra thị trường, thông qua mạng internet để mời chào, lôi kéo người tham gia vào các đường dây, băng nhóm hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.
Trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki... đặc điểm của sàn thương mại điện tử rộng và mở. Đối với việc xử lý hàng nhái, hàng giả trên sàn thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường Tây Ninh chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác thu thập thông tin các kho hàng, điểm tập kết hàng của các sàn thương mại điện tử trên địa bàn quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người tiêu dùng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính.
Giám sát hoạt động chuyển phát nhanh để xử lý kịp thời các hành vi vận chuyển hàng giả, hàng nhái. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định hiện hành để người dân tránh mua phải các hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử.
Nhi Trần - Nhật Quang