Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiện nay, tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội diễn ra phức tạp, với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, đã có nhiều trường hợp bị lừa đảo mất số tiền rất lớn, người dân kiến nghị ngành chức năng sớm có giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Các vụ vi phạm tăng dưới nhiều hình thức
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; mở 5 đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh nói chung, trong đó có tội phạm lừa đảo trên không gian mạng;
Tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt về đấu tranh, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm có tổ chức, phương án xử lý một số tình hình lợi dụng công nghệ cao để xâm phạm trật tự xã hội; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung tuyên truyền các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tây Ninh đăng thông tin cảnh báo/khuyến cáo khách hàng các hình thức lừa đảo công nghệ cao tại khu vực giao dịch trực tiếp.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh khởi tố 52 vụ, 20 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2023 tăng 42 vụ, 20 đối tượng) chủ yếu dưới các hình thức: giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Toà án hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID (ứng dụng giả mạo), kích hoạt tài khoản định danh điện tử, thông báo số CCCD, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của người dân liên quan đến tội phạm; đối tượng kết bạn, làm quen qua mạng xã hội, dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các hội, nhóm kín trên mạng xã hội Telegram để hướng dẫn, lừa đảo nạn nhân; kết bạn, làm quen qua mạng xã hội, tạo tình cảm yêu đương với tài khoản mạo danh người nước ngoài, gửi tiền đầu tư hoặc tặng tiền, quà chuyển từ nước ngoài về Việt Nam yêu cầu nạn nhân đóng thuế, phí hải quan để nhận quà; giả mạo tài khoản mạng xã hội của bạn bè hoặc người thân quen, yêu cầu chuyển tiền để giải quyết vấn đề khẩn cấp....
Điển hình, ngày 25.6, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp Công an huyện Tân Châu lấy lời khai đối tượng Ngô Trung Quang (28 tuổi, quê tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua công tác nắm tình hình, thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh phát hiện đối tượng Quang lập nhiều tài khoản Facebook với các tên như: Samu Lào, Mộc Tây Bắc, Lý Mỹ Nghệ, Phú Quý Nu, rồi truy cập mạng internet tải hình ảnh về các loại sản phẩm gỗ quý (tượng gỗ phong thuỷ, bàn gỗ, tủ gỗ, bình gỗ...) có giá trị cao, đăng lên các tài khoản do cá nhân tạo ra để rao bán.
Người mua có nhu cầu thì liên lạc qua ứng dụng messenger để trao đổi. Sau khi 2 bên thoả thuận thống nhất mua bán hàng thì Quang cung cấp số tài khoản ngân hàng yêu cầu người mua chuyển tiền từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng và hẹn trong thời gian từ 2 đến 4 ngày sẽ giao hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền thì Quang liền chặn liên lạc với nạn nhân. Một số người bị lừa đã trình báo với Công an tỉnh Tây Ninh.
Lực lượng Công an tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên về phòng, chống tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Vào cuộc điều tra, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng Công an huyện Tân Châu (Công an tỉnh Tây Ninh) phối hợp Công an tỉnh Bình Thuận phát hiện Quang đang ở phường Phú Tài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận nên bắt giữ để phục vụ điều tra.
Tại cơ quan công an, Quang thừa nhận hành vi của mình và cho biết với thủ đoạn trên, Quang đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của rất nhiều người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành phố khác với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Thực hiện tốt khẩu hiệu: “4 không” và “2 phải” để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm
Để phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả thiệt hại xảy ra liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng không gian mạng để lừa đảo, Công an tỉnh đề nghị người dân cảnh giác, ghi nhớ và thực hiện tốt khẩu hiệu “4 không” và “2 phải”.
Trong đó, “4 không” gồm:
Không sợ: Không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến các vụ việc, vụ án...
Không tham: Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”...
Không kết bạn với người lạ: Khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, tham gia; không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng.
Không chuyển khoản: Khi có các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không làm theo.
“2 phải” gồm:
Phải thường xuyên cảnh giác: Chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: thông tin thẻ CCCD; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...
Phải tố giác ngay với Công an khi có nghi ngờ: Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngời là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.
Ngoài ra, để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện các nội dung như: tiếp tục cập nhật phương thức thủ đoạn, tình hình kết quả công tác đấu tranh, xử lý đối với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để tuyên truyền và thông báo trên các phương tiện truyền thông.
Đồng thời tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên Zalo, Facebook và trên các loa phát thanh địa bàn cấp huyện, xã về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để người dân nâng cao cảnh giác.
Đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử cho công dân. Đây được xem là căn cước trên không gian mạng để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động phục vụ Nhà nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo.
Ứng dụng kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài sản ngân hàng, loại bỏ các tài khoản ảo, làm sạch thuê bao di động, loại bỏ sim rác. Qua đó hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo.
Làm tốt công tác đấu tranh, xử lý các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Công an, Viện Kiểm sát, Toà án trong điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm nghiêm minh, triệt để, nhanh chóng, đúng pháp luật, đưa ra xét xử công khai các vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Nhi Trần