BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngăn chặn việc tách thửa, phân lô đất nông nghiệp 

Cập nhật ngày: 10/04/2022 - 23:48

BTN - Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nơi nào còn để xảy ra việc người dân hiến đất làm đường rồi tự ý tách thửa không theo quy hoạch thì cán bộ địa phương phải chịu trách nhiệm, buộc khôi phục lại tình trạng đất ban đầu.

Phân lô bán nền trên địa bàn huyện Tân Châu.

Từ cuối năm 2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh có nhiều cuộc khảo sát về công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và việc tách thửa đất, hình thành khu dân cư, nhà ở riêng lẻ ở đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ các cuộc khảo sát cho thấy, đang có nhiều vấn đề đặt ra cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai- một lĩnh vực tác động đến mọi mặt đời sống xã hội.

Có hiện tượng lợi dụng tách thửa để phân lô bán nền đất nông nghiệp

Ông Đỗ Thanh Tam- cán bộ Địa chính xã Trí Bình, huyện Châu Thành cho biết: “Hai năm trở lại đây, giá đất tăng nên việc phân lô bán nền tăng hơn lúc trước rất nhiều. Thường cặp kênh là đất nông nghiệp, mà phân lô thì không sản xuất được, đất bị bỏ hoang. Địa phương phải thường xuyên đi kiểm tra, không để người dân chuyển đổi mục đất sử dụng, nếu có vi phạm sẽ đình chỉ liền”.

Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu có khu đất quảng cáo là khu dân cư mới hình thành. Thực tế, đây là đất nông nghiệp và không được quy hoạch khu dân cư, nên việc quảng cáo rao bán đất nền kiểu này có khả năng gây thiệt hại lớn cho khách hàng.

Bởi mua đất nông nghiệp khu vực này không thể chuyển thành đất ở. Ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, nhiều đối tượng ngoài tỉnh thu gom, mua đất nông nghiệp và tự ý phân lô, rao bán đất nền. Huyện đã chỉ đạo cho lực lượng Công an, ngành Văn hoá kiểm tra và sẽ có hình thức xử phạt.

Tại các địa phương trong tỉnh cũng đang xảy ra tình trạng tương tự, nhiều “đầu nậu” gom mua đất nông nghiệp đầu cơ rồi tách thửa bằng nhiều cách khác nhau. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh nhìn nhận, việc tách thửa trên đất nông nghiệp gia tăng thời gian qua gây ra cơn sốt về giá đất, tạo làn sóng đầu cơ đất, ảnh hưởng công tác quy hoạch, đền bù, làm méo mó thị trường đất nông nghiệp.

Về vấn đề này, UBND tỉnh có những giải pháp quyết liệt trong thời gian tới để chấn chỉnh việc lợi dụng các quy định tách thửa phân lô đất nông nghiệp, bảo vệ sản xuất. Bên cạnh đó, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể về điều kiện, đối tượng được tách thửa để việc tách thửa được thống nhất trong cả nước.

Người dân không nên mua đất nông nghiệp với các lời quảng cáo như đất sẽ được quy hoạch dự án, được chuyển mục đích sử dụng. Trước khi mua đất, người dân nên liên hệ chính quyền địa phương để tìm hiểu quy hoạch, nguồn gốc đất với các thông tin chính quy, chính thống, tránh tiền mất tật mang.

Lợi dụng việc hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa

Qua các buổi khảo sát về tình trạng hiến đất làm đường cho thấy, người dân đã cùng với chính quyền các cấp góp sức xây dựng đường giao thông khang trang sạch đẹp, xây dựng nông thôn mới, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho ngân sách. Tuy nhiên, có một số ít trường hợp người dân lợi dụng việc hiến đất để mở đường vào đất của mình, từ đó phân lô tách thửa, bán đất nền.

Một số trường hợp các hộ dân tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước, hay còn gọi là hiến đất để làm đường giao thông công cộng, sau đó tách thửa, phân lô, xây dựng khu nhà ở dưới hình thức nhà ở riêng lẻ, không lập dự án. Thực trạng này đã diễn ra ở thị xã Hoà Thành, thành phố Tây Ninh và nhiều huyện khác.

Qua giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, trong tháng 10.2021 có ghi nhận tình trạng hộ dân tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để làm đường giao thông công cộng, sau đó phân lô, tách thửa, xây dựng khu nhà ở dưới hình thức nhà ở riêng lẻ (liền khối, mỗi căn có tường, móng riêng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng, nhưng cùng chung mẫu thiết kế xây dựng), không xin chủ trương đầu tư xây dựng dự án mà quảng cáo rao bán dưới hình thức dự án bất động sản, dẫn đến việc hình thành nên khu dân cư tự phát.

Qua khảo sát đợt này, UBND thị xã Trảng Bàng và UBND thành phố Tây Ninh báo cáo đã triển khai nhiệm vụ cho các ngành chuyên môn và UBND cấp xã theo hướng dẫn tại Công văn số 7303/STNMT-PQLĐĐ ngày 16.11.2021 về việc hướng dẫn triển khai thực hiện việc trả lại đất cho Nhà nước để thực hiện công trình công cộng, tuy nhiên, ngày 5.1.2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thu hồi văn bản.

Tại thành phố Tây Ninh có 11 hồ sơ, gồm 4 hồ sơ vận động người dân hiến đất làm đường đi công cộng, do Nhà nước đầu tư để bảo đảm lưu thông và các tiêu chí nông thôn mới; 4 hồ sơ hiến đất làm đường vào khu tái định cư xã Bình Minh theo chủ trương của UBND Thành phố; 3 hồ sơ hiến đất làm đường để đủ điều kiện tách thửa.

Theo báo cáo của UBND thị xã Trảng Bàng, có 46 hồ sơ thuộc trường hợp trả lại đất cho Nhà nước để mở rộng đường giao thông hiện hữu và trường hợp hiện trạng có đường đất hình thành từ lâu nhưng trên bản đồ địa chính không có thể hiện, không thể tách thửa. Hộ dân phải thực hiện thủ tục trả lại đất cho Nhà nước để địa phương chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cập nhật đường giao thông trên bản đồ địa chính.

Chấn chỉnh tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp

Bà Nguyễn Thị Yến Mai- Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết: “Cần giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng hiến đất làm đường, phân lô bán nền để trục lợi. Văn bản pháp lý có đầy đủ nhưng trên thực tế, chúng ta không có làm theo quy định”.

UBND tỉnh nhận định, đây không phải lỗi từ phía người dân mà trách nhiệm thuộc về UBND các cấp- nhất là cấp cơ sở đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra. Chính quyền không kiểm tra, không hướng dẫn cụ thể rõ ràng, thì một số người dân lợi dụng việc làm đường băng qua đất của mình, rồi từ đó tách thửa, phân lô. Bên cạnh đó, một số địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa nắm rõ các quy định về xây dựng.

Ông Trần Tương Quốc- Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho biết: “Quy định là công trình phải có giấy phép xây dựng. Con đường cũng là công trình xây dựng, phải có giấy phép, phù hợp quy hoạch, được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư mới được xây dựng. Còn lại, dù là hiến đất làm đường cũng phải chuyển mục đích sử dụng qua đất giao thông, phải được cấp phép, phù hợp quy hoạch mới xây dựng”.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nơi nào còn để xảy ra việc người dân hiến đất làm đường rồi tự ý tách thửa không theo quy hoạch thì cán bộ địa phương phải chịu trách nhiệm, buộc khôi phục lại tình trạng đất ban đầu.

Qua giám sát kiểm tra, một số địa phương yêu cầu các hộ dân khắc phục việc tự ý nâng cấp, cải tạo đường giao thông không theo quy hoạch.

Qua khảo sát, HĐND tỉnh nhận thấy việc xây dựng nhà ở trên đất lúa vẫn còn diễn ra, trong khi đó, cơ sở hạ tầng ở các khu vực này không bảo đảm. Thời gian qua, các địa phương đã xử phạt không ít hộ dân về hành vi vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích, nhưng việc khắc phục buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất rất khó thực hiện, do hầu hết hộ dân vi phạm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đối với tình trạng này, UBND tỉnh sẽ chấn chỉnh bằng việc siết chặt kỷ luật trật tự xây dựng, áp dụng các chế tài theo quy định, đồng thời tăng cường quản lý bằng quy hoạch.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nơi nào để xảy ra sai phạm sẽ kiên quyết thay thế cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm. Các quy hoạch về đô thị, nhà ở nông thôn chưa thực hiện đồng bộ, còn thiếu quy hoạch dân cư nông thôn. Mới đây, UBND tỉnh thông qua chương trình quy hoạch dân cư nông thôn, đến năm 2025 phải hoàn thành các quy hoạch nhà ở khu vực nông thôn, làm quy chuẩn để quản lý nhà nước.

Nhi Trần


Liên kết hữu ích