Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Gần hai năm qua, khoảng 40.000 người thuộc các ngành Giáo dục, Y tế bỏ việc cho thấy nhiều điều cần nhìn nhận lại đối với vấn đề lương bổng, thu nhập của viên chức, công chức nói chung, giáo viên nói riêng. Câu chuyện giáo viên, nhân viên y tế bỏ việc đang “nóng hổi” với dư luận trong thời gian gần đây.
Giáo viên Trường mầm non Thạnh Bắc, huyện Tân Biên làm đồ chơi cho học sinh
“KHÓ BÌNH YÊN TRONG CÁI NGHÈO”
“Đồng lương thấp, chênh lệch mức sống nhiều, nhất là ở khu công nghiệp khiến giáo viên không thể yên bình trong cái nghèo, rời bỏ nghề giáo”- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn nhận định nguyên nhân giáo viên bỏ việc, trong đó phần lớn là giáo viên mầm non.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác, bình quân đạt 4,5-4,7 triệu đồng/tháng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Dạy được 5 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 5%.
Người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng trong 2-3 năm đầu. Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) thì lương sau 5 năm công tác có thể đạt đến 6 triệu đồng, nhưng số lượng không nhiều. Những giáo viên này phải làm việc trong môi trường đặc biệt khó khăn, mức lương đó cũng chưa tương xứng công sức.
Chỉ 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì 1 người ra khỏi ngành. Tỷ lệ lớn thầy cô bỏ việc là ở khối mầm non, tiểu học. Nguyên nhân, theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, lương quá thấp, trong khi công việc nhiều vì giáo viên phải vừa dạy dỗ, vừa chăm sóc học sinh. Một số tỉnh có chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được vì không có nguồn; hoặc có nguồn thì nhiều người lại chọn làm việc khác có thu nhập cao hơn.
“Một số giáo viên chia sẻ rằng đi làm cả chục năm, cuối tháng nhận lương 5-6 triệu đồng, rút ra đóng tiền học cho hai con hết 3 triệu đồng. Số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ đi chợ chừng nửa tháng.
Nhiều người ngoài giờ lên lớp lại chạy đôn chạy đáo làm thêm các nghề khác để kiếm tiền lo cho gia đình. Việc mua nhà, nuôi con trở thành nỗi ám ảnh với nhiều nhà giáo, đặc biệt là ở thành phố lớn. Các giáo viên mầm non, tiểu học phải đến trường từ rất sớm để đón học sinh, lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, học hành. Một ngày làm việc của những thầy cô này thường rất dài.
Trong khi đó, đồng lương họ nhận được vẫn không lo nổi cuộc sống. Giáo viên với đồng lương thấp, chênh lệch mức sống nhiều, không thể yên bình trong cái nghèo. Lương và phụ cấp giáo viên tăng thêm cũng là động lực thu hút học sinh giỏi thi vào sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ.
Đồng thời, khi khối công lập tăng lương sẽ là đòn bẩy, kích thích khối tư thục quan tâm hơn đến đời sống của thầy cô giáo và đầu tư cho con người”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ trước báo giới.
Ngoài đồng lương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng không quên đề cập môi trường làm việc, sức ép từ dư luận xã hội đối với nghề dạy học. “Chúng tôi tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hoá học đường, để giáo viên có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy được trách nhiệm người thầy.
Ngành tính toán hỗ trợ tối đa để giáo viên có thể điều chỉnh bản thân, thích ứng được yêu cầu, phương pháp dạy học, tiếp cận chương trình, sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá, tương tác với học sinh.
Đây là thay đổi lớn nên cần quá trình, ngành Giáo dục và nhà trường phải hỗ trợ, chia sẻ thì giáo viên mới có thể hoàn thiện, phục vụ tốt cho công việc. Chúng tôi cũng rất cần được chia sẻ, đồng hành, tôn trọng từ phía xã hội và phụ huynh”.
LƯƠNG GIÁO VIÊN CÓ THẤP KHÔNG?
Nếu chỉ tính lương (không tính thu nhập chung), lương giáo viên không hề thấp, thậm chí cao hơn nhiều ngành nghề khác. Theo chính sách hiện hành, ngoài lương, giáo viên các cấp học, bậc học còn được hưởng phụ cấp ưu đãi từ 30%-45% hoặc 50%.
Phụ cấp ưu đãi này (thực chất cũng là lương) là một mức ưu đãi rất cao so với nhiều ngành nghề khác ở khu vực công. Căn cứ quy định của chính sách, lương và phụ cấp của giáo viên chỉ đứng sau lực lượng vũ trang. Nhưng, đây là tính lương, chưa tính tổng thu nhập.
Lương và thu nhập là hai khái niệm khác nhau, vì ngoài lương, người lao động, viên chức còn có những khoản thu nhập khác. Cũng như bất kỳ ngành nghề nào, trong ngành Giáo dục, bên cạnh nhiều giáo viên chỉ sống bằng đồng tiền lương, có rất nhiều người làm giàu, thậm chí rất giàu từ chính lao động của mình: dạy thêm. Không hiếm giáo viên thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm học từ hoạt động dạy thêm.
Nhưng, dạy thêm chỉ dành cho giáo viên vùng đô thị, đồng bằng, những địa phương kinh tế phát triển; giáo viên vùng sâu vùng xa, vùng miền núi… không thể dạy thêm hoặc nếu có, thu nhập từ hoạt động này cũng không đáng kể.
TĂNG LƯƠNG CHO GIÁO VIÊN MẦM NON?
Nhiều cán bộ quản lý ở Tây Ninh đều tán thành xem xét ưu tiên tăng lương giáo viên mầm non trước, giáo dục phổ thông tính sau, vì ngân sách chưa thể tăng đồng loạt, bởi cả nước có khoảng 1,5 triệu giáo viên, giảng viên.
Bậc học mầm non- một bậc học “sinh sau đẻ muộn” bởi đến những năm 2010, bậc học này mới chính thức đứng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trước đó chỉ là nhà trẻ. Từ năm 2010-2015, bậc học này bắt đầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đồng thời huy động trẻ từ đủ ba tuổi trở lên đến trường để được chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn. Cũng từ đây, bậc học này được đầu tư mạnh mẽ về quy mô trường lớp cũng như huy động số lượng trẻ em đến trường dẫn đến nhu cầu giáo viên dành cho bậc học này tăng mạnh.
Sau một thời gian phát triển tốt, bậc học này vấp phải một số vấn đề cả thực tế trong nhà trường cũng như về chính sách. Ở trong nhà trường, số học sinh trong một lớp học, đặc biệt ở khu đô thị, khu công nghiệp quá đông, dẫn đến chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ ảnh hưởng chất lượng.
Từ thực tế này, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, chính quyền địa phương quyết định xây thêm trường mầm non, mẫu giáo để “giãn cách” số lượng trẻ trong từng lớp học.
Ðể thực hiện được chủ trương, ngoài những điều kiện tiên quyết như ngân sách, quỹ đất để xây trường, đội ngũ giáo viên là điều kiện “cần và đủ” để cơ sở mầm non, mẫu giáo hoạt động.
Theo tính toán, giáo viên mầm non mỗi ngày làm việc 10 tiếng, 1 tuần có 50 giờ lên lớp, 1 năm học 35 tuần thực dạy, số giờ lên lớp tổng cộng 1.750 giờ. Nếu tính cả 7 tuần bồi dưỡng công tác chuyên môn, giáo viên mầm non phải có mặt ở trường 2.000 giờ.
Trong khi đó, Bộ GD&ĐT quy định giáo viên bậc học này dạy 2 buổi/ngày với định mức 1.050 giờ dạy/năm (mỗi ngày dạy 6 giờ) và số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương theo quy định không quá 200 giờ dạy/năm. Như vậy so với giờ dạy thực tế, hằng năm, mỗi giáo viên có hơn 500 giờ dạy không được hưởng lương.
Nhiều ý kiến tán thành việc xem xét ưu tiên tăng lương đối với giáo viên mầm non. Tuy nhiên, cũng cần tính toán chu đáo, bởi đề xuất này hoàn toàn phù hợp thực tế nhưng thực hiện không dễ, vì phải xây dựng chính sách mới, sửa đổi, bổ sung chính sách hiện hành.
VIỆT ĐÔNG