Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngăn gom 'đất vàng' khi cổ phần hóa
Chủ nhật: 15:59 ngày 19/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Tài chính vừa thông tin về dự thảo nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó có điểm mới liên quan đến đất đai khi cổ phần hóa.

Liệu quy định này đã đủ chặt để đất vàng của DNNN không bị các nhóm lợi ích thâu tóm, găm giữ, đầu cơ?

Cần dẫn ra trường hợp một DNNN ngành thủy sản có tòa nhà ở trung tâm TP.HCM là trường hợp điển hình.

Phải nhắc đến trường hợp này vì bao năm qua, DN này dù có tòa nhà ở vị trí đắc địa nhưng mọi người chỉ biết dưới cái tên của một ngân hàng.

Đơn giản là DN không sử dụng, mà đem cho ngân hàng thuê. Nhưng trước ngày cổ phần hóa, DN này thu hồi tòa nhà từ ngân hàng, treo bảng công ty lên, sau đó là cổ phần hóa với những tính toán riêng...

Vậy nếu không cổ phần hóa, DN này có thu hồi tòa nhà và tại sao một thời gian rất dài khi còn 100% vốn nhà nước, họ không đưa tòa nhà vào khai thác để đem lại hiệu quả cao hơn?

Từ câu chuyện này cho thấy cần phải siết lại khi sửa đổi các quy định cổ phần hóa để đảm bảo tài sản nhà nước - nguồn lực quốc gia - được đặt đúng chỗ, không bị thâu tóm với mục đích đầu cơ...

Trước hết, phải tính đúng tính đủ đất phục vụ kinh doanh theo nguyên tắc giá thị trường vào trong giá trị DN.

Với đất dôi dư (nhà khách, văn phòng, đất trống...) của DNNN chính là miếng bánh ngon mà nhà đầu tư muốn gom để sau này chuyển sang các mục đích khác như làm bất động sản... thì phải tính khác.

Đó là xác lập quan điểm với đất dôi dư, Nhà nước phải thu hồi. Tất nhiên đơn vị cổ phần hóa sẽ có nhiều lý lẽ để giữ lại phần đất dôi dư này, như đó là tiềm năng để họ mở rộng sản xuất kinh doanh sau này.

Để hóa giải lý lẽ này không khó, chỉ cần dựa vào số liệu kinh doanh 5-10 năm gần nhất sẽ biết được tốc độ tăng trưởng trung bình của DN hay ngành nghề đó là bao nhiêu và cần bao nhiêu đất đai.

Không thể có chuyện thần kỳ xảy ra sau khi cổ phần hóa tốc độ tăng trưởng cao lên gấp hàng chục lần, để rồi lấy đó làm lý lẽ tiếp tục nắm giữ các mảnh đất dôi dư này.

Nếu Nhà nước kiên quyết thu hồi các khu đất dôi dư này của toàn bộ khối DNNN trên cả nước sẽ tạo ra được quỹ đất hậu cổ phần hóa khổng lồ. Khi đó, Nhà nước sẽ tổ chức đấu giá, tạo ra công năng mới để phát huy tối đa nguồn lực đất đai này.

Và việc gì cũng phải sòng phẳng. Với những khu đất vàng đã “lỡ” trao cho nhà đầu tư trong quá trình cổ phần hóa trước đây thì sao?

Nếu DN cổ phần hóa không sử dụng đúng mục đích so với hồ sơ ban đầu thì mỗi năm phải điều chỉnh lại theo giá trị trường.

Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ thiết lập một loại thuế hoặc khoản phí để điều tiết và cũng xem như là phạt, do sử dụng đất sai mục đích ban đầu.

Các giải pháp xử lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa cần phải tuân thủ nguyên tắc tối hậu là tài sản của Nhà nước thì phải trả về cho Nhà nước.

Không tuân thủ nguyên tắc này, vấn đề đất đai trong cổ phần hóa rồi lại đâu cũng vào đấy: quy định mới sẽ ban hành tới đây nhìn có vẻ chặt chẽ, nhưng không khéo tài sản công vẫn cứ chạy vào tay của các nhóm lợi ích.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh