Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngân hàng chung tay phòng, chống Covid-19
Thứ năm: 12:38 ngày 05/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhằm chia sẻ với những khó khăn, của doanh nghiệp, người dân do dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đưa ra chính sách miễn, giảm lãi vay. Thực hiện giải pháp này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc tích cực với nhiều gói tín dụng lớn...

Xe luôn vắng khách.

Doanh nghiệp lao đao

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng hành khách trên các chuyến xe khách Tây Ninh đã sụt giảm từ 40% đến 50% so với thời điểm chưa có dịch bệnh xảy ra. Nhiều đơn vị vận tải hoạt động cầm chừng vì lượng khách ít. Các doanh nghiệp này vẫn phải trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và nhiều chi phí hoạt động khác.

Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh lại tăng cao khiến doanh nghiệp càng khó khăn, nhưng các đơn vị này lại không thể ngừng hoạt động vì vẫn còn một lượng khách hàng cần phục vụ thường xuyên. 

Ông Hoàng Sỹ Hoan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã vận tải Đồng Tâm Tây Ninh cho biết, tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp khiến lượng hành khách giảm đi rất nhiều. HTX chở khách chủ yếu là học sinh, do các trường học đều ngừng hoạt động nên lượng khách giảm mạnh. Người dân ít đi lại, nên doanh thu vận tải của đơn vị giảm khoảng 40%.

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định, các hãng taxi trong tỉnh cũng ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Đơn cử như tại Công ty taxi Sao Đỏ Tây Ninh, doanh thu trong những tháng đầu năm giảm khoảng 50% so với những năm trước đó. Hãng taxi này có 140 đầu xe hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhưng có khoảng 130 xe hoạt động cầm chừng, một số lái xe tạm nghỉ việc vì tâm lý lo ngại dịch bệnh. 

Lượng khách du lịch sụt giảm, người dân hạn chế đến nơi đông người khiến những người buôn bán chịu ảnh hưởng nặng nề không kém. Chỉ trong vòng vài tuần, nhiều quán ăn, nhà hàng hoạt động cầm chừng hoặc phải sang nhượng mặt bằng. Nhiều tiểu thương ở các chợ dân sinh buôn bán ế ẩm.

Người kinh doanh như ngồi trên đống lửa khi giá thuê mặt bằng cao ngất ngưởng mà việc buôn bán lại ảm đạm. “Mỗi tháng tôi phải trả hàng chục triệu đồng cho tiền thuê mặt bằng, chi phí điện, nước, tiền công nhân viên. Dịch bệnh là điều hoàn toàn ngoài mong muốn, không có người mua hàng nhưng chúng tôi cũng không thể đóng cửa, bỏ sạp mà hằng ngày vẫn phải đến chợ, mở quầy.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh có thể kéo dài như hiện nay, không biết chúng tôi còn duy trì được bao lâu”, ông Hiếu, chủ một cửa hàng kinh doanh nhu yếu phẩm tại chợ Tây Ninh chia sẻ.

Ngân hàng chung tay cùng doanh nghiệp và người dân

Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như cơ cấu nợ, giảm lãi suất vay theo hướng dẫn và quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh, tính đến cuối tháng 2.2020, tại Tây Ninh đã có khá nhiều ngân hàng tham gia vào việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Như Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Tây Ninh đã triển khai gói tín dụng cho vay lãi suất thấp là 1.200 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay từ 6,5% còn 5,5% cho khách hàng, giảm từ 0,2%-0,3% cho nhiều hộ cá nhân có kỳ hạn vay trong 6 tháng nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất trong thời gian tới.

Ngân hàng BIDV Tây Ninh triển khai chương trình “Chung tay đẩy lùi Corona” với gói tín dụng ngắn hạn cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có lãi suất cố định 5,5%/năm, giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VNĐ và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD. Chương trình áp dụng từ ngày 14.2 đến hết ngày 30.4.2020 hoặc đến khi đạt quy mô gói. 

Các lĩnh vực vay vốn cụ thể gồm nông nghiệp, xuất khẩu và du lịch. Trong đó tập trung ưu tiên các sản phẩm nông sản như: thanh long, dưa hấu, mít, chuối; hàng thuỷ hải sản như cá tra, cá ba sa, cá da trơn; du lịch bao gồm cả lĩnh vực phụ trợ như nhà hàng, khách sạn và xuất khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc.

Ngân hàng Sacombank có kế hoạch triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm mạnh đến 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Thời gian cho vay sẽ kết thúc vào ngày 30.6.2020 hoặc khi hết hạn mức.

Một số ngân hàng khác như Agribank, Nam Á Bank tập hợp dư nợ của khách hàng và xúc tiến hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ lưu trú, nhà hàng - quán ăn và xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để ngăn chặn việc lợi dụng dịch Covid-19 để xử lý những khoản tín dụng không phải do tác động của dịch, các ngân hàng sẽ kiểm tra, rà soát từng khách hàng bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch và đang gặp khó để ra quyết định hỗ trợ phù hợp. Để được hỗ trợ giảm lãi vay, doanh nghiệp, người dân phải có các chứng từ, tài liệu chứng minh lĩnh vực hoạt động, mức độ thiệt hại do Covid-19. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng khuyến khích khách hàng giao dịch điện tử - để hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19, bằng việc miễn phí hoặc giảm phí đến 90% so với mức thu cũ đối với chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua NAPAS có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục