Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tây Ninh đã chủ động triển khai, hướng dẫn và yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp, đa dạng hoá các sản phẩm tín dụng, giảm lãi suất cho vay.
Công nhân làm việc tại một công ty dệt trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.
Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 6.2023 đạt 91.470 tỷ đồng, tăng 6,5% so đầu năm, tăng 12,4% so cùng kỳ. Dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh đạt 76.700 tỷ đồng, tăng 6,7% so đầu năm, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 26.066 tỷ đồng với 1.251 doanh nghiệp, tăng 5,4% so đầu năm.
Ngoài ra, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 34 khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại là 295,3 tỷ đồng theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
Hỗ trợ lãi suất (HTLS) theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20.5.2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam 4,2 tỷ đồng/doanh số cho vay HTLS là 916 tỷ đồng (17 khách hàng). Dư nợ cho vay HTLS là 311 tỷ đồng, với 15 khách hàng.
Công nhân làm việc tại một công ty chế biến hạt điều trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tây Ninh đề nghị các TCTD tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hoá và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay để giảm thời gian, chi phí cho khách hàng.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thường xuyên phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị về việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để có giải pháp tháo gỡ, cũng như kiến nghị tháo gỡ.
Công nhân làm việc tại một công ty may trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.
Đồng thời, các TCTD triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN; đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, gói 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm, thuỷ sản cũng như các chương trình, gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại đã công bố.
Nhi Trần