Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Điều hành tín dụng hiệu quả, hạn chế “tín dụng đen”
Thứ ba: 10:07 ngày 19/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 12.7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam nhận định: “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Đây là các quan hệ vay mượn dân sự, không do NHNN cấp phép và gắn với tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật.

Công nhân sơ chế chuối tại một HTX trên địa bàn huyện Tân Châu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” vẫn tồn tại và đang tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp là do một bộ phận người dân còn tìm đến “tín dụng đen” do thói quen tiêu dùng hoặc để phục vụ nhu cầu vay vốn không hợp pháp như: cờ bạc, lô đề, ma tuý, kinh doanh phi pháp; các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; quá trình thẩm định cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không cao.

Hơn nữa, các đối tượng hình sự hoạt động cho vay nặng lãi dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ hoạt động kinh doanh, nhu cầu tiêu xài cá nhân.

Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các diễn biến mới của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” gặp nhiều trở ngại, nhất là tình trạng ngày càng nhiều các đối tượng chuyển hướng lợi dụng công nghệ cao, số thuê bao điện thoại không chính chủ, ứng dụng điện thoại, mạng xã hội (Zalo, Facebook) không khai báo, đăng ký chính danh để hoạt động “tín dụng đen” và trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng; trong khi các giải pháp quản lý nhà nước trên không gian mạng, công nghệ cao còn hạn chế.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank Tây Ninh.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng (TCTD), thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp.

Điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”.

Đến ngày 29.6.2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,41 triệu tỷ đồng, tăng 9,26% so với cuối năm 2021; trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, với hơn 14 triệu khách hàng, tăng 7,63% so với cuối năm 2021. Cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng với dư nợ đạt 2,32 triệu tỷ đồng, chiếm 22,22% dư nợ nền kinh tế, tăng 11,56% so với cuối năm 2021.

Công nhân làm việc tại một công ty chế biến kẹo hạt điều trên địa bàn thị xã Hoà Thành.

Triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hoá thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.

Phát triển mạng lưới TCTD, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 TCTD và gần 1.200 quỹ TDND; đã có 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc; 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 phòng giao dịch thuộc 24 tỉnh, thành phố.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, bên cạnh các giải pháp tăng cường khả năng cung ứng vốn, tiếp cận dịch vụ ngân hàng chính thức từ NHNN, cần sự vào cuộc và triển khai đồng bộ giải pháp từ các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục