BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trảng Bàng: Chủ động tiếp cận khách hàng để huy động vốn

Cập nhật ngày: 06/03/2009 - 09:59
Nhiều khách hàng đang chờ giao dịch tại NHNo & PTNT huyện Trảng Bàng

Một ngày đầu tháng 3.2009, chúng tôi đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo & PTNT) huyện Trảng Bàng thấy có khá đông khách hàng đến giao dịch. Một phụ nữ dáng dấp nông dân vừa gửi tiền xong vui vẻ cho biết, gia đình chị ở xã Gia Lộc, sống bằng nghề nông, nhưng có người con đi hợp tác lao động ở nước ngoài. Nhờ vậy mà gia đình cũng có khoản tiền nhàn rỗi kha khá. Để đảm bảo chẳng những giữ được tiền không bị “sứt mẻ” mà còn sinh lợi nhờ lãi suất, gia đình chị quyết định chọn NHNo & PTNT huyện để gởi tiền. Không chỉ có chị phụ nữ ấy mà còn nhiều người khác chọn ngân hàng này để gửi tiền, vay tiền. Nhờ vậy mà vốn huy động cũng như vốn cho vay của ngân hàng không ngừng tăng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Phú Yên, Giám đốc NHNo & PTNT huyện Trảng Bàng cho biết, trong năm 2008, các chỉ tiêu như dư nợ cho vay; nguồn vốn huy động; kết quả tài chính… đơn vị đều đạt và vượt kế hoạch năm do cấp trên giao. Thị phần nguồn vốn và dư nợ đều được giữ vững và giữ được vai trò chủ lực, chủ đạo trên địa bàn, thu hút được số lượng khách hàng tiền gửi lớn, chiếm lĩnh được thị trường tín dụng trong khu vực nông nghiệp, nông thôn; mở rộng đầu tư tăng trưởng dư nợ đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa kèm theo phát triển các dịch vụ tiện ích. Đến cuối năm 2008, NHNo & PTNT Trảng Bàng đã huy động nguồn vốn được trên 285 tỷ đồng, tăng hơn 76 tỷ đồng so với đầu năm và vượt kế hoạch năm được 2,5%. Đặc biệt tính đến cuối tháng 2.2009, tổng nguồn vốn huy động của NHNo & PTNT huyện Trảng Bàng đã lên đến 360 tỷ đồng. Tính ra chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2009, ngân hàng này đã huy động được khoảng 75 tỷ đồng. Đây là con số chưa từng có từ trước đến nay. Nếu so với cuối năm 2005, nguồn vốn huy động của NHNo&PTNT Trảng Bàng hiện nay đã tăng hơn 2 lần (vào cuối năm 2005, vốn huy động 150 tỷ đồng). Từ nguồn vốn huy động trong nhân dân, NHNo&PTNT Trảng Bàng đã đáp ứng đủ mọi nhu cầu về vốn vay cho các đối tượng khách hàng. Đến cuối năm 2008, số vốn cho khách hàng vay trên 279 tỷ đồng, tăng hơn 38 tỷ so với đầu năm và hiện nay (cuối tháng 2.2009), số dư nợ đã tăng lên 300 tỷ đồng.

Năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, tình hình kinh tế thế giới nói chung, trong nước nói riêng gặp nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp làm tác động không nhỏ đến ngành Ngân hàng, nhờ đâu mà NHNo & PTNT huyện Trảng Bàng đạt được những kết quả khả quan như thế?

Theo Giám đốc NHNo & PTNT huyện Trảng Bàng Phạm Phú Yên cho biết, Chính phủ giao trọng trách cho ngành Ngân hàng là làm sao đảm bảo vốn sản xuất kinh doanh để thực hiện kích cầu, chống giảm phát. Muốn làm được điều đó, Ngân hàng phải tự tìm mọi cách để huy động vốn. Thời gian qua, NHNo & PTNT Trảng Bàng tìm mọi biện pháp tăng cường huy động vốn để đáp ứng đủ mọi nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế vay trong sản xuất kinh doanh. Để làm được việc đó NHNo & PTNT Trảng Bàng, không ngồi đợi khách hàng mang tiền đến gửi, mà đã chủ động mở ra hướng huy động mới là thành lập Tổ huy động vốn lưu động trong nhân dân. Tổ này được thành lập vào cuối năm 2008, gồm 5 nhân viên. Khi nắm bắt được khách hàng có nhu cầu gởi tiền, Tổ cho xe đến tận hộ gia đình khách hàng để làm thủ tục giao nhận tiền. Trước khi Tổ huy động vốn lưu động đến với khách hàng, NHNo & PTNT huyện phân công cán bộ phụ trách địa bàn các xã, thị trấn tiếp cận sâu sát đời sống nhân dân, tìm hiểu những gia đình nào có tiền nhàn rỗi để vận động thuyết phục. Khi khách hàng “gật đầu”, cán bộ “tiền trạm” báo cho Tổ huy động vốn đến. Với cách làm này từ khi thành lập Tổ huy động vốn lưu động đến nay ở Trảng Bàng đã có khoảng 200 hộ (không tính các hộ tự đến ngân hàng gửi tiền) gửi tiền cho ngân hàng.

Tuy nhiên NHNo & PTNT Trảng Bàng cũng còn gặp một số khó khăn tồn tại: Nguồn vốn huy động tăng trưởng tuy vượt kế hoạch được giao, nhưng nguồn vốn ngoại tệ đạt thấp so với kế hoạch; việc tiếp cận khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để mở rộng đầu tư tín dụng và phát triển dịch vụ tuy có thực hiện, nhưng kết quả chưa cao.

D.H