BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngân hàng Phát triển bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại: Thực tế không đơn giản…

Cập nhật ngày: 12/09/2009 - 02:55

Ngày 21.1.2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại (NHTM). Trong đó giao cho Ngân hàng Phát triển (NHPT) Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh đối với doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay vốn tại các NHTM để thực hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh theo Quy chế bảo lãnh. Sau hơn 7 tháng ban hành Quy chế bảo lãnh, ở Tây Ninh chỉ có một số ít DN được NHPT bảo lãnh. Vì sao?

Giám đốc NHPT Tây Ninh (đứng) báo cáo Đoàn ĐBQH tình hình hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh cho DN.

Theo ý kiến của một số DN từng tham gia vay vốn NHTM qua sự bảo lãnh của NHPT cho biết thì việc vay này không đơn giản và thời gian từ lúc đề xuất vay vốn qua bảo lãnh đến khi chính thức nhận được vốn vay khá lâu. Cụ thể như trường hợp Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Tây Ninh. Khi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban lãnh đạo Công ty cho biết giữa tháng 6 năm 2009, Công ty chuẩn bị 3 dự án có quy mô đầu tư lớn để xin vay vốn NHTM qua bảo lãnh của NHPT là: Trụ sở Huyện uỷ- UBND huyện Hoà Thành; Trung tâm sinh hoạt TTN và Khán đài B sân vận động Tây Ninh. Trước khi đề nghị NHPT bảo lãnh, Công ty đã có bước đàm phán với NHTM để biết có được vay vốn hay không, dự án nào được vay và vay bao nhiêu.

Song song quá trình đàm phán với NHTM, Công ty gửi hồ sơ cho NHPT để đàm phán bước đầu về việc bảo lãnh vay. Thời gian đàm phán kéo dài đến hơn 1 tháng do chưa có sự thống nhất trong việc thẩm định dự án giữa NHTM và NHPT. Đến ngày 17.7 Công ty mới chính thức lập giấy đề nghị vay vốn gửi NHTM, ngày 23.7, công ty ký hợp đồng tín dụng với NHTM. Sau khi đã có hợp đồng tín dụng, Công ty mới chính thức đề xuất NHPT bảo lãnh. Ngày 27.7, NHPT ra Chứng thư bảo lãnh và đến cuối tháng 7 mới được nhận vốn vay.

Như vậy, từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7 Công ty phải chạy qua lại như con thoi giữa hai NH mới nhận được vốn vay. Đồng thời trong số 3 dự án đề xuất vay vốn lúc đầu thì chỉ có 1 dự án được cho vay với số tiền là 4 tỷ đồng- chưa đến 1/4 giá trị xây lắp công trình (hơn 17 tỷ đồng). Tuy số tiền được vay không lớn so với vốn đầu tư xây dựng, nhưng cũng góp phần thiết thực giúp Công ty vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động.

Riêng 2 dự án còn lại cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất, nhưng vì sao Công ty không liên hệ với một NHTM khác xin vay vốn qua bảo lãnh của NHPT Tây Ninh? Ban Giám đốc Công ty cho biết nếu làm như vậy thì có thể sẽ được vay thêm, nhưng phải lập hồ sơ lại từ đầu- nghĩa là phải tiến hành bước đàm phán với 2 NH và phải mất hơn một tháng rưỡi nữa mới nhận được vốn vay. Trong khi đó thời hạn vay vốn được hỗ trợ lãi suất là đến cuối tháng 12.2009- chỉ còn chưa đầy 4 tháng. Nếu được cho vay thì cũng sử dụng được hơn 2 tháng và phải hoàn trả nợ vay. Thời gian làm thủ tục vay vốn qua bảo lãnh kéo dài đã khiến cho một số DN e ngại không tiếp cận nguồn vốn vay qua bảo lãnh dù có nhiều dự án thuộc diện được hỗ trợ lãi suất.

Theo quy định tại Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg thì “tối đa 20 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ, NHPT tiến hành thẩm định, nếu đủ điều kiện thì có văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh cho DN vay vốn. Trường hợp không chấp thuận bảo lãnh, NHPT thông báo cho DN và giải thích rõ lý do”.

Vẫn còn nhiều dự án chưa tiếp cận nguồn vốn vay thông qua bão lãnh.

Còn theo Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì “chậm nhất sau 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ vay vốn của DN và văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh vay vốn của NHPT, NHTM xem xét và ký hợp đồng tín dụng với DN nếu đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn…”. Như vậy, theo quy định thì trong vòng 1 tháng sau khi nộp đủ hồ sơ DN nhận được vốn vay. Tuy nhiên thực tế không được như vậy. Theo Ban Giám đốc Chi nhánh NHPT Tây Ninh, do quan điểm thẩm định dự án của NHPT và NHTM có khác nhau, có một số điểm chưa nhất quán nên thời gian thẩm định kéo dài.

Cụ thể như: NHPT thường cho vay thời gian dài hạn, còn NHTM thì muốn cho vay ngắn hạn; khách hàng thường xuyên có uy tín với NHPT thì NHPT mạnh dạn bảo lãnh vốn vay, nhưng lại không phải là khách hàng thường xuyên của NHTM nên NHTM e ngại không muốn cho vay vốn lớn và ngược lại… Hơn nữa, trong Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg có quy định “Bên bảo lãnh (NHPT) sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh (DN) khi bên được bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ theo cam kết…”. Chính vì thế mà NHPT càng thận trọng hơn khi thẩm định dự án bảo lãnh.

Ngoài ra, số DN vay vốn NHTM qua bảo lãnh của NHPT ở Tây Ninh còn quá ít là do thời hạn vay vốn được hỗ trợ lãi suất không dài- đến cuối tháng 12 năm nay là kết thúc, đồng thời cũng đến thời gian này có nhiều dự án đầu tư phải hoàn trả nợ vay, trong khi thực tế công trình chưa hoàn tất để quyết toán.

SƠN TRẦN


 
Liên kết hữu ích