Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngân sách vẫn phải bảo đảm chi thường xuyên cho 53% đơn vị tự chủ
Chủ nhật: 22:41 ngày 13/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, thực tế cho thấy, câu chuyện tự chủ tại các đơn vị còn nhiều bất cập, phần lớn đơn vị vẫn hoạt động từ nguồn ngân sách.

Nhân viên Bệnh viện Ða khoa tỉnh đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào bệnh viện. Ảnh: Phương Thuý

Theo kế hoạch, trong tháng 9, Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh sẽ tổ chức phiên họp để nghe các đơn vị sự nghiệp công lập giải trình một số nội dung có liên quan đến chủ trương, chính sách về cơ chế tự chủ. Tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, thực tế cho thấy, câu chuyện tự chủ tại các đơn vị còn nhiều bất cập, phần lớn đơn vị vẫn hoạt động từ nguồn ngân sách.

Ngân sách vẫn còn chi thường xuyên

Thông tin từ Sở Tài chính, giai đoạn 2017-2019, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm để chi tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động trên cơ sở định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định hiện hành.

Ngân sách Nhà nước đã giảm chi trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khoá XII). Năm 2019, giảm chi trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước so năm 2015 hơn 195,6 tỷ đồng (chủ yếu do giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách và giảm số lượng đơn vị sự nghiệp do sắp xếp lại bộ máy).

Hằng năm, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên có mức chi tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động cao hơn đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị do ngân sách bảo đảm chi thường xuyên.

Cụ thể, năm 2017, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh có thu nhập tăng thêm 9.122.368 đồng/người/tháng. Năm 2018, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế có mức thu nhập tăng thêm đạt 28.939.686 đồng/tháng, năm 2019, đơn vị này có mức thu nhập tăng thêm là 17.640.000 đồng/người/tháng.

Các đơn vị được giao tự chủ về tài chính đều thực hiện bảo đảm theo phân loại tự chủ được giao, không có trường hợp đơn vị phải xem xét điều chỉnh mức độ tự chủ cho đơn vị trước thời hạn. Mức độ tự chủ được phân thành ba loại: đơn vị tự bảo đảm chi phí thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí thường xuyên, đơn vị do ngân sách bảo đảm chi phí thường xuyên.

Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, tính đến 31.8.2020, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 16/2015/NÐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị định số 16/2015/NÐ-CP) là 581/581 đơn vị. Trong đó, có 33 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 240 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, 308 đơn vị do ngân sách bảo đảm chi thường xuyên (chiếm tỷ lệ 53%).

Chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính, các đơn vị sự nghiệp công lập bước đầu gặp không ít khó khăn. Lãnh đạo Sở Tài chính nhìn nhận: “Các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục và Y tế (chủ yếu các bệnh viện tuyến huyện) đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn thu do khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế của người dân còn hạn chế.

Các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị do ngân sách bảo đảm chi thường xuyên hầu hết chưa tiết kiệm chi để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động do định mức phân bổ chi thường xuyên được ổn định cả giai đoạn 2017-2020, nhưng hằng năm lại ảnh hưởng do yếu tố trượt giá”.

Ðánh giá một cách tổng thể, lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng, đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên được tự chủ về nhân sự, được trả lương theo kết quả hoạt động, làm cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của xã hội để tăng nguồn thu của đơn vị.

Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy vậy, một số đơn vị chưa chủ động trong xây dựng kế hoạch hoạt động, còn trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước.

Một số lĩnh vực như giáo dục, văn hoá, thể thao và du lịch, thông tin truyền thông, cơ quan báo chí, y tế chưa được Trung ương hướng dẫn giao tự chủ cũng như chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn phương pháp xây dựng giá dịch vụ làm ảnh hưởng đến lộ trình tự chủ chi thường xuyên.

Riêng đối với lĩnh vực giáo dục, mặc dù đã được Bộ GD&ÐT hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo tại Thông tư số 14/2019/TT-BGDÐT ngày 30.8.2019, tuy nhiên, nhằm bảo đảm cơ hội cho tất cả học sinh được tiếp cận dịch vụ giáo dục nên chưa xây dựng giá dịch vụ bao gồm đầy đủ các chi phí, dẫn đến đơn vị không tự chủ về tài chính theo quy định.

Trong thời gian tới, Sở Tài chính rà soát, thẩm định phương án tự chủ của các đơn vị bảo đảm theo quy định và phù hợp với tình hình của đơn vị. Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có nguồn thu dịch vụ đã bảo đảm chi hoạt động, mạnh dạn xây dựng phương án tự chủ về chi thường xuyên, tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư để được tự chủ về nhân sự, hướng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ (thuê nhân lực chất lượng cao), tăng nguồn thu để chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khoá XII).

Trong trường hợp đơn vị có nguồn thu, nhiệm vụ biến động làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính, Sở Tài chính sẽ thẩm định điều chỉnh mức độ tự chủ cho đơn vị trước thời hạn theo quy định (tại Ðiều 20 Nghị định số 16/2015/NÐ-CP). Sở Tài chính sẽ rà soát, tham mưu UBND tỉnh xác định định mức phân bổ chi thường xuyên cho giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm phù hợp với tình hình của địa phương, trong đó có xét đến yếu tố trượt giá hằng năm.

Những bất cập

Chính sách, cơ chế tự chủ có nhiều mục tiêu, trong đó có hai mục tiêu chính: giảm dần nguồn chi từ ngân sách, tăng tính tự chủ cho đơn vị sự nghiệp, tạo điều kiện để người lao động cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, nếu “hệ thống hoá” lại câu chuyện này sẽ thấy có những bất cập.

Xét về mặt số liệu, phần lớn đơn vị sự nghiệp công lập hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn chi từ ngân sách, trừ một số ít tự chủ tài chính được một phần. Vì đơn vị sự nghiệp là của Nhà nước, do đó, ngân sách phải bảo đảm cho bộ máy hoạt động.

Mặc dù đã có nhiều chính sách (nghị định, thông tư) về cơ chế tự chủ nhưng có một thực tế- đó là các đơn vị sự nghiệp công lập không được tự chủ về nhân sự. Việc tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vẫn hoàn toàn do các cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Như vậy, thủ trưởng các cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập, nơi trực tiếp sử dụng lao động muốn tinh giản biên chế, tuyển dụng người mới có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cũng khó có thể làm điều đó. Mặt khác, muốn cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ, viên chức, người lao động thì điều tiên quyết là bộ máy cơ quan phải tinh gọn, số người làm chỉ cần đáp ứng đủ yêu cầu công việc.

Mặt khác, các chính sách liên quan đến câu chuyện từng bước tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập cũng còn có những bất cập. Trong lĩnh vực giáo dục, Ðiều 9 của Thông tư 14/2019/TT-BGDÐT hướng dẫn phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo xác định nguyên tắc tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo, gồm có: “Giá dịch vụ giáo dục đào tạo phải tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí thành phần bao gồm chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định (tích luỹ đầu tư) và các chi phí, quỹ khác; giá dịch vụ giáo dục đào tạo được phân biệt theo cấp học, nhóm ngành và chương trình đào tạo; giá dịch vụ giáo dục đào tạo được điều chỉnh khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ giáo dục đào tạo thay đổi”.

Học phí là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất liên quan đến hình thành giá dịch vụ đào tạo. Nhưng, chính sách về học phí lại thường xuyên có sự thay đổi. Theo Luật Giáo dục năm 2019, học sinh THCS không còn phải đóng học phí, điều này có nghĩa, ngân sách không những tiếp tục phải chi mà còn phải tăng thêm để bảo đảm cho nhà trường hoạt động, vì nguồn thu học phí không còn.

Mặt khác, ngay cả khi tiếp tục thu học phí, nguồn này cũng chỉ bảo đảm được một phần nhỏ trong tổng kinh phí hoạt động của nhà trường, như lời của một hiệu trưởng thì “tổng thu học phí một năm chỉ đủ trả lương cho toàn bộ giáo viên nhà trường trong một tháng”.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh