BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngân vang giai điệu Tây Ninh trên đất Thủ đô

Cập nhật ngày: 02/10/2023 - 08:55

BTN - Những giai điệu hào hùng về một Tây Ninh trung dũng, kiên cường sẽ được ngân vang trên đất Thủ đô nhân sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội, diễn ra trong 2 ngày (7-8.10) tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Đội trống Chhay-dăm biểu diễn tại sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội năm 2019. Ảnh: Xuân Vũ

 

Đặc sắc đờn ca tài tử và múa trống Chhay-dăm

Nằm trong chuỗi hoạt động, chương trình nghệ thuật quần chúng được tổ chức liên tục từ 8 giờ đến 22 giờ trong hai ngày cuối tuần 7 và 8.10 tại khu vực nhà bát giác (phía sau tượng đài vua Lý Thái Tổ), quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tại đây, du khách được thưởng thức các di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, là niềm tự hào của mảnh đất Tây Ninh nói riêng và Nam bộ nói chung, như nghệ thuật đờn ca tài tử hay múa trống Chhay-dăm...

Để có những tiết mục chỉn chu, đặc sắc nhất, đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, cộng tác viên của Trung tâm Văn hoá tỉnh Tây Ninh đã phải dày công luyện tập ngày đêm, mong muốn đem từng lời ca, tiếng hát, ngón đờn gửi đến người dân Thủ đô.

Bên cạnh đờn ca tài tử, Ban tổ chức còn lồng ghép các tiết mục cải lương tuồng cổ để chương trình thêm nhiều màu sắc. Công tác tập luyện được triển khai hơn 1 tháng, với 2 trích đoạn cải lương kinh điển “Tiếng trống Mê Linh” và “Đời cô Lựu” do các diễn viên, nghệ sĩ của Trung tâm Văn hoá tỉnh biểu diễn, nhằm giúp du khách thêm yêu quý loại hình nghệ thuật này.

“Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia Ngày Tây Ninh tại Hà Nội, tôi rất vui mừng và hạnh phúc. Trước đây tôi chủ yếu diễn kịch tuyên truyền, chưa có cơ hội diễn tuồng cổ. Lần này ra Hà Nội tôi đóng vai Lê Chân trong vở “Tiếng trống Mê Linh”, tôi được anh chị em nghệ sĩ chia sẻ, động viên, góp ý để có thể hoàn thiện vai diễn của mình” - nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyến chia sẻ.

Nghệ sĩ Đông Dương cho biết, một số bài ca cổ, tài tử, ca khúc hát về Tây Ninh sẽ được biểu diễn tại ngày hội: bài bản tài tử Tôi yêu thành phố Tây Ninh, vọng cổ Quê tôi đất Trảng, ca cổ Tây Ninh miền đất tôi yêu… Đặc biệt, năm nay có sự tham gia của một số anh chị nghệ sĩ khách mời như NSƯT Kim Tử Long, Ngọc Diễm- chuông vàng vọng cổ 2022, ca sĩ Hồng Quyên, Ngọc Hân… do mạnh thường quân vận động tham gia biểu diễn cùng với đoàn của Trung tâm Văn hoá tỉnh Tây Ninh.

Nói về công tác chuẩn bị của đội trống Chhay-dăm, bà Hàng Thị Quý Tâm- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh chia sẻ, đây là đội trống chuyên nghiệp đã biểu diễn ở các chương trình, sự kiện, tham gia các hội thi, hội diễn đạt thành tích cao, cụ thể là vừa đoạt giải A tại Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ tại tỉnh Sóc Trăng năm 2022. Ngoài việc biểu diễn tại ngày hội, các thành viên trong đội trống được phân công hướng dẫn du khách thực hiện một số động tác đánh trống cơ bản.

Hai tiết mục cải lương tuồng cổ “Tiếng trống Mê Linh” và “Đời cô Lựu” sẽ được tái hiện trên đất Thủ đô.

Chú trọng tương tác với du khách

Điểm nổi bật ở sự kiện năm nay là các hoạt động tương tác cùng du khách, tạo nên các trải nghiệm thực tế, hấp dẫn. Du khách có thể thử tài hát vọng cổ Nam bộ cùng các nghệ sĩ, thử múa trống Chhay-dăm cùng các nghệ nhân hoặc thưởng thức đặc sản Tây Ninh tại các gian hàng muối ớt, bánh tráng, trái cây… tạo nên một không gian lễ hội tươi vui và sôi động tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Tại khuôn viên nhà bát giác, Ban tổ chức bố trí trang phục Khmer, áo bà ba Nam bộ, áo dài khăn đóng truyền thống, áo tuồng cổ, trống Chhay-dăm, in sẵn lời những bài bản tổ, cải lương, Dạ cổ hoài lang trên giấy A4… sau đó mời du khách mặc thử trang phục và trải nghiệm đánh trống, tập hát do các nghệ sĩ gạo cội của Tây Ninh hướng dẫn. Đồng thời hỗ trợ du khách lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp tại ngày hội.

Các phông nền là hình ảnh những điểm du lịch nổi tiếng của Tây Ninh được lắp đặt, chuẩn bị sẵn để du khách có thể tự do “check-in” Tây Ninh ngay giữa lòng Hà Nội. Ban tổ chức còn hỗ trợ rửa ảnh ngay tại chỗ và cung cấp cả khung ảnh cho du khách. Gần 100 bức ảnh trưng bày tại sân 3 - Vườn hoa tượng đài vua Lý Thái Tổ (trước tượng vua Lý Thái Tổ) không chỉ tái hiện một phần vẻ đẹp của mảnh đất Tây Ninh qua những điểm đến du lịch, di tích lịch sử hấp dẫn, mà còn giới thiệu những thành tựu nổi bật, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo của vùng đất Tây Ninh đến người dân Thủ đô và du khách.

Biểu diễn đờn ca tài tử tại sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội năm 2019. Ảnh: Xuân Vũ

Bà Hàng Thị Quý Tâm cho biết thêm: “Trung tâm đã cơ bản hoàn thành 80% công việc, âm thanh, ánh sáng hoàn chỉnh với công ty sự kiện ở Hà Nội, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tập luyện hết công suất. Năm nay, chúng tôi chủ yếu sử dụng lực lượng diễn viên, nghệ sĩ trẻ để thấy được quá trình truyền dạy của các bậc tiền bối có đội ngũ kế thừa, và đội ngũ này sẽ mang sức trẻ của mình làm nên những tiết mục ấn tượng nhất tại ngày hội. Theo lịch biểu diễn 3 suất/ngày, diễn theo phân khúc của khán giả và du khách, vì nếu muốn kêu gọi khách đến thì ngoài tiếng đàn còn có tiếng trống cùng nhiều hoạt động trải nghiệm khác”.\

Hoàng Yến