Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngành chăn nuôi giữ vững đà tăng trưởng và phát triển ổn định
Thứ tư: 09:27 ngày 02/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dịch Covid-19, dịch bệnh gia súc và tác động của giá cả thị trường làm ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố đầu vào của ngành chăn nuôi, song, nhờ chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch cùng với việc triển khai linh hoạt các phương thức chăn nuôi phù hợp trong tình hình mới, ngành chăn nuôi tỉnh vẫn giữ vững được đà tăng trưởng, bảo đảm cung ứng thực phẩm cho thị trường tiêu dùng.

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tình đang ổn định.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2021, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số loại dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi như bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; dịch tả heo châu Phi; cúm gia cầm làm chết hàng ngàn con gia súc, gia cầm, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân. Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành thú y và sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, cơ cấu lại tổng đàn và phương thức chăn nuôi, từ đầu năm 2021 đến nay, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn giữ vững được đà tăng trưởng và phát triển ổn định. Có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, an toàn sinh học, theo mô hình VietGAHP được mở rộng.

Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh ước khoảng 10.000 con trâu (bằng 90,9% so cùng kỳ); 100.000 con bò (bằng với năm 2021); 218.487 con heo (bằng 110,7% so cùng kỳ); 8.935.000 con gia cầm các loại (bằng 125% so cùng kỳ). Có 62 cơ sở chăn nuôi (22 cơ sở chăn nuôi gà, 39 cơ sở chăn nuôi heo, 1 cơ sở chăn nuôi bò) được cấp giấy chứng nhận VietGAHP.

Tình hình giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm duy trì mức ổn định từ sau dịp tết nguyên đán, bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng. Tính đến cuối tháng 2.2022, giá cả một số loại thịt động vật trên địa bàn tỉnh như sau: trâu bò hơi 80.000 đồng/kg (ổn định); giá heo hơi 58.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg); giá gà công nghiệp 17.000 đồng/kg (giảm 7.000 đồng/kg), giá vịt hơi 38.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg).

Dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt.

Theo một lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn phổ biến chăn nuôi gia súc, gia cầm kiểu nông hộ, truyền thống. Hình thức chăn nuôi này góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, những năm gần đây, đa phần hộ chăn nuôi đã quan tâm nhiều hơn đến các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khâu phòng bệnh được áp dụng một cách bài bản, khoa học nhằm tăng hiệu quả bảo vệ đàn; thực hiện tốt yếu tố “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Bên cạnh đó, tỉnh còn khuyến khích đầu tư xây đụng trang trại quy mô lớn, tập trung, áp dụng khoa hoạc kỹ thuật.

Ngành Thú y đã tập trung triển khai xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm và Newcaslte trên gà tại huyện Dương Minh Châu và 3 xã: Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Trạch thuộc huyện Gò Dầu; bệnh lỡ mồm long móng tại 6 xã: Long Khánh, Long Phước, Long Giang, Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận của huyện Bến Cầu. Trong đó, có 55 cơ sở chăn nuôi gà, 1 cơ sở chăn nuôi vịt, 9 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Tình hình dịch bệnh gia súc trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định

Theo nhận định của ngành Thú y, trong năm 2022 nguy cơ các loại dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi rất cao. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật.

Chủ động phát hiện sớm, tổ chức bao vây, khống chế không để dịch phát sinh, lây lan trên diện rộng, bảo đảm an toàn cho chăn nuôi và sức khỏe của nhân dân; đẩy mạnh  xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, cảnh báo dịch để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả; tổ chức quản lý, nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh đến tận hộ nuôi.

Tổ chức các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh; hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, xử lý tốt chất thải chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục