Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài “Điểm mặt các dự án “ma”, phản ánh tình trạng các công ty bất động sản (BĐS) quảng cáo, rao bán đất các dự án chưa được cấp phép. Ngay sau đó, ngành chức năng cùng các địa phương vào cuộc xử lý.
Lách luật
Bà Trần Thị Ly Lan, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố Tây Ninh cho biết đã nhận được thông tin (về dự án BĐS ảo) nhưng chưa khảo sát thực tế. Trao đổi qua số điện thoại của người rao bán, cơ quan chức năng được biết vị trí đất được rao bán chưa chính xác. Ví dụ những vị trí được giới thiệu là “mặt tiền đường khu Toà án tỉnh mới” thực chất là đất vùng ven Thành phố. Hay như quảng cáo “dự án khu dân cư Bình Minh”, nhưng tại xã này chưa có dự án khu dân cư nào được phê duyệt.
Hiện nay, nhiều chủ đầu tư “phù phép”, thậm chí lách luật rao bán đất ở các dự án phân lô bán nền không theo quy hoạch, gây hỗn loạn thị trường. Cũng có một số doanh nghiệp dùng “chiêu” sử dụng một miếng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để rao bán, tạo lòng tin cho khách hàng, khi người mua liên hệ thì sẽ được giới thiệu một miếng đất khác.
Người viết liên hệ với Công ty địa ốc Thiên Phú để mua đất “dự án Khu dân cư núi Bà Đen tại thành phố Tây Ninh” có giá quảng cáo là 192 triệu đồng/110m2. Tuy nhiên, công ty này lại giới thiệu một lô khác tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Thắc mắc thì đại diện công ty bán né tránh trả lời và sau đó cho rằng do… đất quá rẻ nên đã bán hết.
Bên cạnh đó còn có tình trạng dự án mới chỉ được hình thành “trên giấy”, các chủ đầu tư đã sử dụng một đội ngũ môi giới “hùng hậu” kèm theo nhiều chiêu trò thuyết phục người mua. Không chỉ “vẽ” ra những dự án có vị trí đẹp với cơ sở hạ tầng đồng bộ, lợi nhuận hấp dẫn, một số môi giới còn đánh vào tâm lý đám đông, xuống tiền cọc ảo để tạo niềm tin cho khách hàng. Trong thực tế, hầu hết những “dự án khu dân cư mới” rất manh mún, chưa được đầu tư hạ tầng. Các đầu nậu, doanh nghiệp chỉ tách thửa, phân lô bán nền.
Việc lách luật để phân lô, bán nền còn nhằm giảm tối đa tiền thuế sử dụng đất. Nếu thực hiện dự án đầu tư, chủ đầu tư phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường quy định tại Điều 11, Nghị định 69/2009/NĐ-CP. Chủ đầu tư lách quy định trên theo hai bước. Bước một, tách dự án thành nhiều thửa đất và để cá nhân đứng tên thực hiện chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, đồng thời xin nợ tiền sử dụng đất. Bước hai, tiến hành phân lô theo quy định rồi chuyển nhượng và khách hàng sẽ là người đóng tiền sử dụng đất.
Chủ đầu tư đã sử dụng “chiêu” này để không phải đóng tiền sử dụng đất vượt hạn mức. Pháp luật quy định, khi chuyển mục đích sử dụng đất, phần vượt hạn mức sử dụng phải đóng tiền sử dụng đất với hệ số K gấp 2-4,5 lần khung giá. Nếu khách hàng đóng tiền sử dụng đất, thì chỉ đóng theo khung giá vì diện tích (80m2) không vượt hạn mức. Như vậy, Nhà nước đã thất thu một khoản lớn tiền thuế sử dụng đất.
Sẽ quản lý chặt, xử lý nghiêm
Theo chính quyền một số địa phương, trong thời gian tới, không chỉ đối với các dự án BĐS ảo, phân lô bán nền không đúng quy định, ngay cả những dự án, hạng mục công trình chưa thực hiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy định cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
Đơn cử như “dự án” khu dân cư Thuận Việt Villa (tại ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành) của Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng Thuận Việt (Công ty Thuận Việt) rao bán. Đơn vị này xây dựng công trình khi chưa có giấy phép xây dựng và đã bị cơ quan chức năng có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ thi công, lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời hướng dẫn công ty làm thủ tục xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, trong khi chưa có giấy phép xây dựng, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục cho thi công công trình.
Ông Lâm Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Hiệp Tân thừa nhận, thời gian qua, UBND xã còn chưa quyết liệt xử lý đối với trường hợp vi phạm ở “dự án” Thuận Việt Villa. Doanh nghiệp chỉ làm nhà ở riêng lẻ nhưng lại quảng cáo “dự án”. UBND xã đã lập biên bản vi phạm nhưng đơn vị này vẫn tiếp tục xây dựng. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ đề xuất huyện Hoà Thành cưỡng chế nếu đơn vị này chưa làm thủ tục xin giấy phép mà tiếp tục thi công.
Đồng thời, UBND xã Hiệp Tân sẽ cắm bảng thông báo với nội dung chưa có dự án nhà ở nào được cấp phép trên địa bàn xã, khuyến cáo người dân khi xây dựng nhà ở đô thị phải xin giấy phép xây dựng.
Ông Bùi Minh Cận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành cho biết, đối với “dự án” Thuận Việt Villa, sau khi có thông tin doanh nghiệp này tiếp tục thi công, xây dựng công trình đã bị đình chỉ, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hiệp Tân, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện phối hợp kiểm tra, lập biên bản. Các đợt kiểm tra gần nhất là vào cuối tháng 10.2019. Ngày 4.11, UBND xã lại tiếp tục lập biên bản đình chỉ thi công đối với công trình thuộc “dự án” trên.
Khu dân cư Thuận Việt Villa ngày 30.10 vẫn xây dựng bình thường.
Ông Cận cũng cho biết thêm, để thực hiện tốt vai trò trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng trên địa bàn, sau khi quy hoạch chung đô thị Hoà Thành được phê duyệt, Hoà Thành được công nhận đô thị loại 4, năm 2018, huyện Hoà Thành có đề nghị Sở Xây dựng, UBND tỉnh lập quy hoạch phân khu cho những đơn vị lên phường là Hiệp Tân, Long Thành Trung, Thị trấn và Long Thành Bắc.
Đến nay, UBND tỉnh đã cho ý kiến giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư lập quy hoạch phân khu, trước tiên là cho xã Hiệp Tân và xã Long Thành Trung. Đây là cơ sở để các cơ quan chuyên môn của huyện làm tốt công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn, trong đó có việc xây dựng nhà ở.
Đối với địa bàn thành phố Tây Ninh, bà Trần Thị Ly Lan cho biết sẽ tham mưu cho UBND Thành phố đi kiểm tra tất cả các vị trí đã phê duyệt tổng mặt bằng và những vị trí có thông tin rao bán đất nền dự án để có hướng xử lý tiếp theo. Đồng thời, Phòng đã tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo cho các phường, xã nắm tình hình và quản lý địa bàn, theo dõi các địa bàn có các dự án, khu đất phân lô lớn báo cáo về cho UBND Thành phố xử lý kịp thời; phổ biến để người dân nắm thông tin dự án trên địa bàn.
Vũ Nguyệt