Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngành chức năng đang rà soát để giải quyết dứt điểm
Thứ bảy: 15:38 ngày 04/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND huyện Châu Thành đã giao Phòng Tài nguyên - Môi trường kết hợp cùng UBND xã Đồng Khởi đi thực địa rà soát lần cuối, kiểm tra hiện trạng đất của các hộ dân đang khiếu nại để trình UBND huyện xem xét và giải quyết dứt điểm sau đợt nghỉ tết âm lịch.

Phần đất của ông Nguyễn Văn Dương đang xin cấp giấy đỏ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Trí Cường đã thông tin như trên để trả lời các hộ dân khiếu nại về việc không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực Khu di tích lịch sử văn hoá Tua Hai - Đồng Khởi thuộc xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành. Ông Cường cho biết, UBND huyện đã giao Phòng Tài nguyên - Môi trường kết hợp cùng UBND xã Đồng Khởi đi thực địa rà soát lần cuối, kiểm tra hiện trạng đất của các hộ dân đang khiếu nại để trình UBND huyện xem xét và giải quyết dứt điểm sau đợt nghỉ tết âm lịch.

Trước đó, các hộ dân gồm ông Nguyễn Văn Dương (SN 1954), ngụ tại tổ 4, ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành; ông Hồ Văn Du (SN 1948), ngụ tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu và ông Trần Quốc Tuấn, ngụ tại ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi liên tục khiếu nại đến các cơ quan chức năng của xã, huyện và tỉnh về việc đất sản xuất của các hộ này toạ lạc tại khu vực Khu di tích lịch sử văn hoá Tua Hai - Đồng Khởi không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi một số hộ khác cũng có đất nằm trong Khu di tích lại được cấp giấy. Ông Nguyễn Văn Dương thắc mắc, nếu nói là đất trong khu di tích thì vì sao có người được cấp giấy đất, có người không. Còn nói là đất di tích thì tại sao bao nhiêu năm nay vẫn không thông báo đền bù, di dời để người dân được biết và thực hiện.

Việc khiếu nại của các hộ dân trên kéo dài đã nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thu hồi hay cấp giấy là câu hỏi mà những hộ dân Nguyễn Văn Dương, Hồ Văn Du và Trần Quốc Tuấn đang chờ các cấp có thẩm quyền trả lời, giải quyết dứt điểm. Tại văn bản trả lời cho các hộ dân này vào năm 2008, UBND xã Đồng Khởi cho biết, nguồn gốc đất di tích lịch sử thành Tua Hai là do chế độ cũ “Ngô Đình Diệm” trưng dụng để xây thành chống phá cách mạng, cho đến ngày 30.4.1975 thì Tỉnh đội (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tiếp quản, sử dụng vào mục đích quốc phòng. Ngày 8.6.2000, Tỉnh đội, Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường), UBND huyện Châu Thành, UBND xã Đồng Khởi đã đến hiện trường để bàn giao toàn bộ khu đất này cho UBND huyện Châu Thành quản lý với tổng diện tích 32,8 ha, trong đó giao cho Ban quản lý khu di tích lịch sử thuộc Bảo tàng tỉnh Tây Ninh 20,2 ha, theo Quyết định số 937/QĐ-BT của Bộ Văn hoá- Thông tin; giao cho Công ty bột giấy Minh Phương 11,9 ha theo Quyết định số 1134/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phần còn lại của khu vực này quy hoạch sân bóng đá xã.

Gần hai năm trước, tại cuộc họp ngày 3.9.2015 của UBND huyện Châu Thành với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch về nội dung triển khai công tác điều tra lập phương án hỗ trợ di dời các hộ thuộc dự án Khu di tích lịch sử văn hoá Tua Hai - Đồng Khởi (huyện Châu Thành), Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành lúc bấy giờ là ông Nguyễn Quốc Dũng đã kết luận, đối với các hộ sản xuất nông nghiệp trên đất di tích thì thống nhất hỗ trợ công phục hoá, cải tạo đất nhưng không giải quyết hỗ trợ hoa màu, cây trái- trong đó có cây cao su trong phạm vi đất di tích. Đề nghị UBND xã Đồng Khởi, Phòng Tài nguyên - Môi trường và Trung tâm Phát triển quỹ đất rà soát, kiểm tra danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp mà Tỉnh đội bàn giao cho xã và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện lập phương án hỗ trợ các hộ dân này.

Ông Nguyễn Trí Cường cho biết thêm, ngay sau khi nhận được đơn khiếu nại của các hộ dân có tên trên, UBND huyện Châu Thành đã mời lãnh đạo xã Đồng Khởi cùng cán bộ địa chính xã đến để làm việc trực tiếp, tuy nhiên, vị trí đất được các hộ dân này chỉ trên sơ đồ và vị trí đất do cán bộ địa chính xã quản lý không khớp nhau nên cần có thời gian để đi thực địa nắm lại chính xác lần cuối, xem có thuộc đất di tích hay không. Sau khi làm rõ việc này mới giải quyết được.

“UBND huyện sẽ yêu cầu các ngành chức năng huyện khẩn trương đối chiếu và giải quyết dứt điểm đối với các hộ dân này trong thời gian sớm nhất” - ông Cường cho biết.

Đức An

Tin cùng chuyên mục