Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Năm 2014, khắc phục những khó khăn, ngành Công Thương Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả khá cao trên tất cả các lĩnh vực. Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện được 43.025,9 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 16,04%, đạt 100% kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 2.162 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 20,01%, đạt chỉ tiêu so Nghị quyết đề ra; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.479,6 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 21,77%.

|
Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opMart TP Tây Ninh.
Hoạt động thương mại- dịch vụ diễn ra ổn định. Trong năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước thực hiện được 50.958,653 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác khuyến công được Sở chỉ đạo triển khai bám sát tình hình sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, lựa chọn các đề án phù hợp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển.
Trong năm, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp xây dựng và triển khai 10 đề án khuyến công với tổng kinh phí 3,785 tỷ đồng. Trong đó có 3 dự án đã hoàn thành nghiệm thu, 7 dự án đang triển khai. Đồng thời tư vấn cho 2 doanh nghiệp (Công ty TNHH Cao su Thời Ích, Công ty TNHH dệt Phước Thịnh) tổ chức hội thảo “Giới thiệu kỹ thuật quản lý và giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả”; tư vấn thẩm tra 11 công trình và giám sát 1 công trình điện. Qua đó đã giúp các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tiêu thụ hàng hoá.
Năm 2015, để ngành Công Thương tiếp tục đạt hiệu quả cao, Sở đã chủ động đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Trước tiên là tập trung bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để có các giải pháp tham mưu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Kế đến là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, tạo mối gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cơ sở nhằm phát huy năng lực sản xuất, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thường xuyên cung cấp và trang bị thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp.
Đồng thời ngành tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả; đổi mới công nghệ, thiết bị để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương tích cực triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đẩy mạnh công tác đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường nội địa, thực hiện tốt các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước; tăng cường công tác kiểm soát, theo dõi biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu và dự báo biến động giá cả để có giải pháp điều hành, chỉ đạo kịp thời, tránh hiện tượng đầu cơ, chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế và tình trạng liên kết độc quyền nhằm thao túng thị trường.
THANH NHI