Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngành GD-ĐT: Triển khai Tháng ATGT trong tháng 9.2010

Cập nhật ngày: 18/08/2010 - 12:07

(BTNO) - Thông tin từ Sở Giáo dục – Đào tạo Tây Ninh cho biết, Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu các sở, các trường đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, TCCN xây dựng kế hoạch triển khai Tháng An toàn giao thông trong tháng 9.2010 với chủ đề trọng tâm “Văn hoá giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng”.

(ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông trong năm học 2010-2011 trên cơ sở Chỉ thị số 52/2007/CT-BGDĐT về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục; Cuộc vận động của Bộ trưởng: “Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông”…

Trong năm học mới này, Bộ GD-ĐT tiếp tục nhấn mạnh việc nghiêm cấm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy đến trường; khuyến khích các nhà trường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cho học sinh, sinh viên đủ tuổi lái xe học, thi lấy giấy phép lái xe mô tô, xe máy.

Trước đó, hướng dẫn các Sở GD- ĐT trên toàn quốc thực hiện nhiệm vụ năm học 2010-2011 đối với giáo dục tiểu học, Bộ yêu cầu các trường học phải đảm bảo không tổ chức dạy học quá 7 tiết/ngày.

Về thực hiện kế hoạch giáo dục, Bộ yêu cầu, đối với các trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày, nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (4 tiết/tháng) cần thực hiện tích hợp vào các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công/Kỹ thuật, theo hướng dạy học phù hợp điều kiện thực tế địa phương và nhà trường.

Đối với các trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày, hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày.

Đối với những vùng khó khăn, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhằm tăng thêm thời lượng học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học, chủ yếu để củng cố kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt, Toán hoặc tăng cường tiếng Việt.

Đối với thành phố, những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, ngoài việc củng cố, ôn luyện kiến thức, kỹ năng cần tăng thời lượng cho việc bồi dưỡng học sinh có năng khiếu; tổ chức hoạt động ngoại khoá, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ… nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Bộ GD-ĐT khuyến khích tổ chức bán trú cho học sinh. Ở những vùng dân tộc, miền núi cần nhân rộng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú với sự kết hợp đầu tư từ ngân sách, sự đóng góp của gia đình và sự hỗ trợ từ các lực lượng xã hội. Nhà trường cần tăng cường kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khoẻ học sinh.

Đặc biệt, về thời lượng, đảm bảo không tổ chức dạy học quá 7 tiết/ngày.

Về triển khai Đề án dạy học ngoại ngữ, các trường tiểu học được chọn thí điểm chương trình Tiếng Anh tiểu học mới của Bộ (thời lượng 4 tiết/tuần) thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các yêu cầu đặt ra, rút kinh nghiệm cho việc triển khai đại trà.

Các trường khác chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn nội dung, chương trình, tài liệu dạy học trên cơ sở phù hợp điều kiện thực tế và nhu cầu chính đáng của học sinh: Thực hiện dạy học ngoại ngữ tự chọn từ lớp 3, thời lượng 2 tiết/tuần, hoặc nhiều hơn 2 tiết/tuần; Khuyến khích triển khai các chương trình tiếng Anh tăng cường và làm quen tiếng Anh bắt đầu từ lớp 1 ở những nơi có điều kiện và có nhu cầu của học sinh.

Bộ yêu cầu, các Sở thực hiện nghiêm túc chủ trương cấp sách giáo khoa, không thu tiền đối với học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn, học sinh là con liệt sĩ, con thương binh; các trường tiểu học xây dựng tủ sách dùng chung; bảo đảm vào năm học mới tất cả học sinh đều có sách giáo khoa để học tập. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về việc sử dụng sách tham khảo trong nhà trường.

Giáo viên cần hướng dẫn sử dụng sách, vở hàng ngày để học sinh không phải mang theo nhiều sách, vở khi tới trường. Những trường dạy học 2 buổi/ngày có thể tổ chức cho học sinh để sách, vở và đồ dùng học tập tại lớp.

H.Y